Afghanistan và Việt Nam
Trần Bình Nam
Hiện nay chính phủ Hoa Kỳ đang thảo
luận hướng giải quyết cuộc chiến Afghanistan. Tướng tư lệnh chiến trường
Afghanistan Stanley McChrystal nhậm chức trong tháng 6/2009 vừa qua đã đề nghị
tăng 40.000 quân để ổn định tình hình. Tổng thống Obama và bộ tham mưu của ông
còn dùng dằng chưa quyết định.
Từ cuối năm 2001 khi Hoa Kỳ khởi binh
tấn công và lật đổ chế độ Taliban của Mullah Omar tại Afghanistan để trả thù vụ
Afghanistan dung dưỡng Osama bin Lađen lãnh tụ của al Qaeda tổ chức đánh khủng
bố Hoa Kỳ giết chết gần 3.000 người Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001, với sự đồng
thuận của Liên hiệp quốc, sự tham dự của lực lượng NATO và với sự ủng hộ nồng
nhiệt của nhân dân Hoa Kỳ, cuộc chiến Afghanistan được chính phủ Hoa Kỳ xem là
một cuộc chiến vì chính nghĩa và sự thắng lợi chỉ là vấn đề thời gian. Thắng
lợi đây có nghĩa là dẹp tan lực lượng Talaban, giết chết hoặc bắt sống để truy
tố ra tòa lãnh tụ Taliban Mullah Omar và lãnh tụ Al Qaeda Osama bin Laden.
Sau khi lật đổ Taliban và thiết lập
tại Kabul một chính phủ thân Hoa Kỳ, Hoa Kỳ duy trì tại đó 47.000 quân nhân để
hoàn thành công tác. Sau đó, năm 2003, Hoa Kỳ chuyển toàn bộ sức mạnh quân sự
đánh Iraq.
Chiến tranh bộc phát dữ dội tại Iraq
trong những năm 2003 – 2007. Nhưng nhóm khủng bố Hồi giáo Al Qaeda và lực lượng
Sunni chống Mỹ tại Iraq đã cố ý giảm mức độ chiến tranh tại đó từ năm 2007 sau
khi tổng thống Bush quyết định tăng 20.000 quân (gọi là surge) vào số hơn
140.000 quân đang chiến đấu tại đó. Kết quả là, mức độ chiến tranh tại Iraq
giảm trong suốt năm 2008. Điều này đã giúp cho ứng cử viên Barack Obama đưa ra
sách lược rút quân tại Iraq để tăng cường cho chiến trường Afghanistan.
Ông Obama đắc cử tổng thống cuối năm
2008. Ông đẩy mạnh sự giải kết chiến tranh Iraq để đưa Hoa Kỳ ra khỏi khó khăn
vì cuộc chiến ở đó làm tiêu hao sinh mạng của binh sĩ và tài sản của quốc gia
và làm giảm uy tín của Hoa Kỳ. Cuộc chiến Iraq không được quốc tế công nhận và
lý do Hoa Kỳ dùng để đơn phương quyết định tấn công lật đổ Saddam Hussein là
Iraq có vũ khí giết người tập thể (vũ khí nguyên tử và hoá học) có thể giúp Al
Qaeda tấn công Hoa Kỳ tỏ ra không ổn. Sau khi quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq
thế giới nhận ra rằng lý do Iraq có vũ khí giết người tập thể là lý do ngụy
tạo.
Nhưng tổng thống Obama cũng cần một
chiến trường. Và ông đã đầu tư vốn liếng chính trị vào cuộc chiến tranh
Afghanistan, một cuộc chiến ông coi là cần thiết cho an ninh của Hoa Kỳ và làm
hài lòng thành phần cực hữu tại Hoa Kỳ.
Khi tổng thống Obama
miêu tả cuộc chiến Afghanistan là một cuộc chiến cần thiết người ta không biết
trong thâm tâm ông có nghĩ vậy không hay chỉ là một nhu cầu chính trị. Nhưng vì
lý do gì thì tổng thống Obama cũng ở về phiá có lý vì được nhân dân Mỹ ủng hộ.
Hành động đầu tiên của ông Obama là tăng 21.000 quân cho chiến trường
Afghanistan nâng tổng số binh sĩ Hoa Kỳ lên 68.000 người,
Nhưng sự việc không diễn ra như dự
tính của ông. Chiến trường Afghanistan trở nên sôi động sau khi ông nhậm chức,
gây nhiều tổn thất cho quân đội Hoa Kỳ, nhất là trong hai tháng 6 & 7 năm
2009 sau khi tướng McChrystal nhận nhiệm vụ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ và lực lượng NATO tại Afghanistan.
Tướng McChrystal xin tăng quân, trong
khi các nước trong khối NATO bắt đầu chán cuộc chiến Afghanistan và không muốn
gởi thêm quân. Quan trọng hơn nữa là nhân dân Hoa Kỳ bắt đầu mất phấn khởi với cuộc chiến dai dẵng làm
tiêu hao năng lực của Hoa Kỳ mà không có gì chứng tỏ sự hy sinh binh sĩ ở đó
làm cho Hoa Kỳ trở nên được an ninh hơn. Bức tranh đó làm cho tổng thống Obama
dùng dằng không thể quyết định nhanh chóng trước yêu cầu xin tăng viện của
tướng McChrystal .
Sự dùng dằng của chính quyền Hoa Kỳ
đối với Afghanistan hiện nay không khác gì sự ưu tư của Hoa Kỳ vào đầu năm 1963
đối với cuộc chiến Việt Nam sau trận Ấp Bắc (TBN: trận Ấp Bắc ngày 2/1/1963
trong đồng bằng sông Cửu Long cách Sài gòn 50 km. Lần đầu tiên quân đội cộng
sản trực diện đối đầu và đánh bại một lực lượng quân đội VNCH quân số gấp 6 lần
được yểm trợ bởi trực thăng Hoa Kỳ, bắn rơi 5 trực thăng và gây tổn thất cho 11
trực thăng khác (theo cuốn The Vietnam
War, by Bernard C. Nalty, nhà xuất bản Smithmark, New York, 1966)
Lúc này tổng thống Obama không thể có
một quyết định dứt khoát mà chỉ có thể phải quyết định theo nhu cầu chính trị
(TBN: nhu cầu chính trị không nhất thiết đồng nghĩa với quyền lợi của Hoa Kỳ)
nghĩa là có thể cứ thêm quân … thêm quân như chính phủ Hoa Kỳ đã làm đối với
cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hai cuộc chiến Việt
Nam và Afghanistan khởi đầu bởi những lý do rất khác nhau, nhưng diễn tiến
giống nhau.
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu dưới
chính quyền Eishenower với mục tiêu ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng
sản tại Á châu, một mặt trận chung với mặt trận chận đứng bức màn sắt của Liên
bang Xô viết tại Âu châu. Sách lược của Hoa Kỳ là ủng hộ một chính quyền thân
Hoa Kỳ tại Sài gòn đủ mạnh để chống lại cuộc xâm lăng của Hà Nội và sẵn sang
đưa quân vào can thiệp nếu chính quyền Sài gòn không thể tự đứng vững. Nhân dân
Hoa Kỳ ủng hộ chính sách này.
Trước đó sự can thiệp của Hoa Kỳ tại
Âu châu trong Thế chiến II đã mang đến thắng lợi và nâng uy tín của Hoa Kỳ trên
thế giới nên đối với nhân dân Hoa Kỳ sự can thiệp vào Việt Nam chỉ là sự nối
dài của một chính sách thành công.
Năm 1960 sau khi đắc cử, tổng thống
Kennedy đã có ý muốn xuống thang cuộc chiến Việt Nam, nhưng hướng này đã được
đổi chiều từ cuối năm 1963 sau khi ông bị ám sát chết. Tổng thống Johnson lên
thay, ông McNamara tiếp tục làm bộ trưởng bộ quốc phòng và cuộc chiến leo
thang. Cho đến năm 1968, trước sự thất bại không thể tránh được Hoa Kỳ mới tìm
đường thương thuyết để rút ra khi Việt Nam với tất cả thiệt thòi về phiá Hoa Kỳ
cũng như của đồng minh Nam Việt Nam.
Cuộc chiến Afghanistan cũng bắt đầu
một cách tự nhiên như việc cần tới phải tới. Nhóm khủng bố Al Qaeda đã dùng đất
Afghanistan để huấn luyên nhân sự và tổ chức cuộc tấn công Hoa Kỳ ngày
11/9/2001. Hoa Kỳ tấn công Afghanistan với mục đích phá tan sào huyệt của khủng
bố và thành lập ở đó một chính phủ thân Hoa Kỳ. Nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến
tranh, với sự đồng thuận của thế giới vì đó là một cuộc chiến tranh tự vệ chính
đáng của Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama thay thế tổng thống
Bush đầu năm 2009 và chính sách của ông theo đúng ý muốn của nhân dân là xuống
thang chiến tranh Iraq và vạch một chiến lược để thắng tại Afghanistan.
Ông tăng quân tại Afghanistan. Nhưng
đợt tăng quân chưa hoàn tất Hoa Kỳ đã đứng trước một thực tế là quân Taliban
chấp nhận tổn thất tung tất cả sức mạnh vào cuộc chiến và Hoa Kỳ bị du vào thế
bị động. Quân đội Hoa Kỳ và lực lượng NATO ở Afghanistan cảm thấy bị đe doạ và
chính quyền của tổng thống Karzai có khả năng bị lật đổ. Tướng Stanley
McChrystal không thấy một lối nào trước mắt là xin thêm quân. Ông xin thêm
40.000 quân.
Tướng ở chiến trường xin thêm quân là
một việc tự nhiên. Năm 1968 tại Việt Nam sau trận tấn công Mậu Thân tướng
Westmoreland cũng xin thêm quân.
Chỉ khác ở chỗ hai cuộc chiến tranh ở
hai khúc quanh khác nhau nên quyết định của Washington cũng khác nhau. Năm 1968
tổng thống Johnson đã bác bỏ sự xin thêm quân của tướng Westmoreland với sự
đồng thuận của các cố vấn thân cận, của
quốc hội và của nhân dân Hoa Kỳ đã chán ngấy chiến tranh.
Tổng thống Obama ở vào một hoàn cảnh
khác. Trong thâm tâm có thể ông Obama cũng cảm thấy đưa thêm quân vào
Afghanistan là một con đường có nhiều bất trắc, nhưng ông không thể không gởi
thêm quân theo đòi hỏi. Tổng thống Obama không có những lợi thế của tổng thống
Johnson năm 1968. Lời tuyên bố của ông trong thời gian tranh cử tổng thống rằng
cuộc chiến tranh Afghanistan là một cuộc chiến cần thiết và chính nghĩa còn
văng vẳng bên tai, và sau khi đắc cử ông đã gởi thêm 21.000 sang Afghanistan
như một cam kết sẽ chiến thắng vẻ vang tại đó. Quan trọng hơn nữa là thành phần
cực hữu và những thế lực trong kỹ nghệ quốc phòng vẫn còn thấy chiến tranh là
một chính sách cần thiết cho an ninh của Hoa Kỳ. Nói cách khác tổng thống Obama
nếu muốn gạt bỏ đề nghị tăng 40.000 quân của tướng Stanley McChrystal cũng
không được. Quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn lao đến sinh mệnh chính trị của
ông.
Tăng quân rồi sao nữa
? Và ở đây các diễn biến cho thấy hai
cuộc chiến tranh Việt Nam và Afghanistan giống nhau như hai giọt nước.
Bắc việt đã dùng đất Lào và Cambốt để
huấn luyện và dưỡng quân, đã dùng đường Lào và Cambốt để xâm nhập người và vũ
khí vào miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ đã không thể gởi quân qua chiếm đóng Lào và
Cambốt để triệt con đường tiếp vận huyết mạch của Bắc việt. Tại Afghanistan
quân Taliban đã dùng Pakistan và vùng núi hiểm trở giữa hai nước để huấn luyện
và tiếp vận, và Hoa Kỳ cũng không thể đánh vào Pakistan (một đồng minh) để cắt
đường của Taliban. Trong cả hai chiến trường Hoa Kỳ áp dụng chiến thuật lập
những trại quân đặc biệt để ngăn chận. Nhưng sự ngăn chận này làm cho quân đội
Hoa Kỳ tiêu hao mà vẫn không hữu hiệụ và cuối cùng quân đội phải rút đi .
Tại Việt Nam những trại đặc biệt của
Hoa Kỳ dọc biên giới Lào Việt dần dần được gỡ bỏ trước áp lực của quân đội Bắc
Việt và căn cứ cuối cùng là căn cứ Khâm Đức (trong tỉnh Quảng Nam) được hủy bỏ
năm 1970 sau khi rút lui với nhiều tổn thất. Tại Afghanistan những cuộc tấn
công mùa Hè năm 2009 trong vùng Wana phía Nam tỉnh Waziristan nơi biên giới
Afghanistan – Pakistan đã làm cho quân đội Hoa Kỳ quyết định phải bỏ vùng biên
giới để giảm tổn thất. Tại Việt Nam cũng như tại Afghanistan Hoa Kỳ đều nói đến
lúc phải bỏ vùng núi non hiểm trở và dồn lực lượng bảo vệ khu đông dân cư.
Một sự rút quân tại
Afghanistan lúc này có nhất thiết là một sự thất bại của Hoa Kỳ không?
Không nhất thiết là
vậy.
Nhìn lại, khi Hoa Kỳ rút quân khỏi
Việt Nam, Hoa Kỳ mất uy tín trên thế giới, ảnh hưởng Hoa Kỳ giảm sút tại Á
châu, nhưng làn sóng cộng sản không tràn ngập Đông Nam Á châu. Cuộc tranh gianh
ảnh hưởng giữa Trung quốc và Liên bang Xô viết tạm thời tạo ổn định trong vùng
Tây Thái Bình Dương và 20 năm sau (1995) khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái thiết lập
bang giao, ảnh hưởng của Hoa Kỳ lại thấp thoáng xuất hiện tại Đông Nam Á. Việt
Nam đã đón tiếp tổng thống Clinton năm 2000 một cách nồng nhiệt tưởng chừng như
Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bao giờ là kẻ thù của nhau. Lịch sử chứng tỏ rằng hậu
quả của việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam- dù là một cuộc rút lui không mấy đẹp
mắt – đã không đến nổi tệ hại lắm.
Bước ngập ngừng của cuộc chiến tranh
Afghanistan hiện nay là bức tranh của cuộc chiến tranh Việt Nam vào năm 1965,
1966. Tăng quân nhưng không hy vọng thắng. Tăng quân để có thể an toàn rút
quân.
Tại Afghanistan vào thời điểm tăng
quân này đã có 900 quân nhân tử trận. Sẽ còn bao nhiêu binh sĩ nữa bỏ mình khi
Hoa Kỳ thực sự rút ra khỏi Afghanistan.
Có cách gì tránh khỏi sự tổn thất nhân
mạng tại Afghanistan không? Thực tế chính trị tại Hoa Kỳ không cho phép tổng
thống Obama chọn lựa một giải pháp dứt khoát như vậy. Chiến tranh Afghanistan
sẽ có thể còn dằng dai năm bảy nữa trước khi quốc hội, các cố vấn dân sự trong
tòa Bạch Cung và các khối quyền lợi đồng thuận chấm dứt chiến tranh.
Afghanistan có trở
thành căn cứ huấn luyện của al Qaeda để lại đánh Hoa Kỳ không?
Taliban nếu trở lại cầm quyền họ cũng
có đủ thông minh để biết họ không thể dung túng Al Quada như họ đã dung túng
trước năm 2001. Hoa Kỳ có thể dùng không lực để phá hủy những gì trên đất
Afghanistan có thể gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Và tiếp tục hành động như vậy khi
cần thiết. Những cuộc tấn công như vậy ít tốn kém, ít thiệt hại sinh mạng và
quan trọng hơn cả là sẽ được nhân dân Hoa Kỳ ủng hộ. Người Mỹ thích những hành
động trả đũa đột xuất, nhưng ít kiên nhẫn nhìn một cuộc chiến kéo dài không có
giải pháp cuối đường hầm. Và thế giới (có thể ngoại trừ Trung quốc và Liên bang
Nga) không có lý do gì để than phiền.
Nếu có một bài học về chiến tranh Việt
Nam áp dụng cho chiến tranh Afghanistan thì đó là Hoa Kỳ nên tìm cách chấm dứt
càng sớm càng tốt trước khi hy sinh thêm bao nhiêu sinh mạng nữa một cách vô
ích. Nhưng điều đó đòi hỏi một nhà lãnh đạo có đủ tâm đủ trí và nhất là đủ tầm vóc để làm mà không tạo ra xáo trộn
chính trị tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama có thể đủ tâm đủ trí
nhưng ông không đủ tầm vóc để lấy một quyết định như vậy. Và sẽ còn nhiều thanh
niên Mỹ chết trên chiến trường Afghanistan trước khi chấm dứt.
“Nhất tướng công
thành vạn cốt khô” Điều bi thảm ở đây là có vạn
cốt khô nhưng không có tướng công
thành.
Nov. 22, 2009
Ghi chú:
Ngày 1/12/2009, đọc diễn văn trước sinh viên sĩ quan trường Võ
Bị Quốc Gia West Point trình bày chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan trong 18
tháng tới, tổng thống Obama tuyên bố sẽ gởi thêm 30,000 quân qua Afghanistan.