Chuyện cái cầu
Trần Bình Nam
Cái cầu đây không
phải cái cầu bắc qua sông qua suối mà là cái cầu … tiêu.
Năm 2004 tôi đi du lịch Trung quốc với
công ty du lịch Saigon Voyages của ông Trần Chính. Chuyến đi đó ông Trần Chính
đích thân hướng dẫn. Ông Chính có lối kể chuyện duyên dáng. Chuyện nghe rồi ông
kể lại vẫn thấy hay.
Đến Bắc Kinh nơi thưởng ngoạn chính
của du khách là Cấm Thành. Gọi là Cấm Thành vì đó là trung tâm quyền lực, nơi
các vua Trung quốc từ triều nhà Minh qua triều Mãn Thanh ngồi trị vì cả nước,
dân chúng không được ra vào.
Mỗi ngày sau hồi trống thu không
(trống điểm ngày hết, đêm về) mọi người thuộc phái nam, trừ con cái của hòang
tộc và các hoạn quan, đều phải ra khỏi thành. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm
1910 Cấm Thành không còn bị cấm nữa, và trở thành một địa điểm du lịch ăn khách
nhất của Trung quốc.
Trong Cấm Thành lối đi không rộng,
kiến trúc này chen lấn kiến trúc kia. Từ quảng trường Thiên An Môn du khách vào
Cấm Thành bằng cổng trước rồi theo lối một chiều định sẵn đi thăm lâu đài vua
chuá và các di tích lịch sử của hằng trăm năm để lại rồi ra khỏi Cấm Thành bằng
cổng sau.
Sắp ra cổng, ông Trần Chính hỏi chúng
tôi: “Đi qua bao nhiêu nhà cửa dinh thự, nơi làm việc và ăn ngủ của bao nhiêu
con người quý vị có nhận xét gì không ?” Không ai có câu trả lời ngay.
Ông Chính nói: “Trong
Cấm Thành không có cầu tiêu!” Du khách ai cũng ngạc nhiên nhận ra quả thật là
vậy.
Một câu hỏi hiển
nhiên đến với mọi người. “Vậy người xưa đã giải quyết làm sao?”
Ông Chính giải thích: Trong Cấm Thành
người ta dùng tro đựng trong những thùng nhỏ bằng gỗ, tiêu tiểu trong đó phủ
tro lên, rồi đậy nắp lại. Kín đáo và không có mùi. Mỗi buổi sáng khi cửa thành
mở, hằng đoàn người quang gánh vào dọn tro trong các hộp gỗ gánh đổ vào một
khoảng đất rộng sau Cấm Thành. Từ triều đại này qua triều đại khác, tro chất
thành một ngọn đồi càng ngày càng càng cao trông như một ngọn núi nhỏ. Người
Trung quốc thi vị hoá ngọn đồi và đặt tên là Đồi Hương. “Hương” nào cũng là
hương!
Dưới thời Mao Trạch Đông, bà Giang
Thanh, vợ cưng một thời của Mao, biến Đồi Hương thành một thắng cảnh tô điểm
cho Cấm Thành và làm nơi nghỉ ngơi giải trí khi bà gặp điều phiền muộn.
Bây giờ hầu hết nhà cửa của người
Trung quốc ở thành phố đều có phòng vệ sinh. Nhưng có một điều khó hiểu là
Trung quốc ngày nay có đủ kỹ thuật để xây dựng cầu tiêu theo tiêu chuẩn Tây
phương và sản xuất đủ các chất hóa học sát trùng bán ra cho cả thế giới dùng,
nhưng các cầu vệ sinh tại Trung quốc, ngay cả trong các khách sạn 3 hay 4 sao
vẫn thoang thoảng có mùi.
Ngoài phố thì khỏi
nói. Muốn tìm một phòng vệ sinh chỉ cần thính mũi một chút là biết nó nằm ở
đâu. Hình như đối với người Trung quốc
cầu tiêu không hôi thì không phải là cầu tiêu! Và không có mùi nó làm cho người
dùng cảm thấy mất hứng … tiêu tiểu.
Một
người bạn tôi đi du lịch nhiều có một nhận xét: Muốn sắp hạng trình độ chung
của một quốc gia bạn chỉ cần sắp hạng phòng vệ sinh của các quốc gia đó. Tôi
không đi du lịch nhiều nên không biết nhận xét đó đúng bao nhiêu phần. Nhưng
tôi thấy nói chung nơi công cộng cũng như tư gia phòng vệ sinh của Trung quốc
thua Nga, Nga thua Pháp, Pháp thua Đức thua Anh, Đức thua Nhật, Nhật thua Mỹ,
Mỹ thua Thụy Điển và Na Uy…
Không ai sắp hạng cầu tiêu của Ấn Độ,
vì Ấn Độ đang trải qua một cuộc “cách mạng cầu tiêu”.
Những năm gần đây Ấn Độ phát triển
nhanh và người phụ nữ Ấn Độ có một đòi hỏi. Họ đòi hỏi cái cầu tiêu. Thanh niên
Ấn muốn lấy vợ cần phải có một cái nhà có phòng vệ sinh tươm tất. Nếu muốn cuới
vợ cho con thì bố mẹ phải có nhà có cầu tiêu. Nếu không thì đừng hòng.
Người phụ nữ Ấn Độ đã chán cái thời
dùng cầu tiêu công cọng và tắm ngoài sông hay suối. Trước đây 10 năm khỏang 665
triệu, tức nửa dân số Ấn Độ không có cầu tiêu riêng trong nhà (theo Emily Wax,
trong bài viết “The New Seat of Power for Women in India”, The Washington Post
National Weekly Edition số ngày 2-8/11/2009).
Với tiến bộ về vật chất và phong trào
“phi xí sở, bất thành phu phụ” (No Toilet, No Bride)
trong hai năm qua chỉ riêng trong tiểu bang Haryana đã có thêm 1.4 triệu cầu
tiêu trong nhà. Và phong trào xây dựng cầu tiêu đang lan tràn nhanh chóng đến
các tiểu bang miền Nam và thôn quê.
Người thiếu nữ Ấn Độ vốn là một gánh
nặng trong gia đình. Ít được bố mẹ cho đi học, và khi lấy chồng phải có của hồi
môn. Nhưng hiện nay người phụ nữ Ấn Độ được đi học, đi làm, có khả năng tự túc
kinh tế, và lấy chồng họ không cần hồi môn mà ngược lại ra điều kiện cho giới
nam nhi biết: Muốn lấy vợ phải có nhà có cầu tiêu đàng hoàng chứ không còn để
vợ dùng nhà vệ sinh công cọng và tắm ngoài sông ngoài suối nữa.
Tại Ấn Độ có nạn phá thai nữ vì vậy có
tình trạng trai thừa gái thiếu và phong trào đòi hỏi cầu tiêu của phái nữ như
là điều kiện chọn chồng lại có thêm sức mạnh. Thanh niên Ấn Độ không còn tự ái
hỏi “cô ấy muốn lấy mình hay lấy cái cầu tiêu?”. Họ biết muốn lấy vợ, tốt hơn
là âm thầm sắm cái cầu tiêu .
Người phụ nữ Ấn Độ đang lao mình vào
một cuộc cách mạng giải phóng. Tại thôn quê người ta không còn thấy những người
thiếu nữ xó ró, nhút nhát đi đâu phải nhờ cha hay anh em trai chở đi. Bây giờ
họ có thể học hành đỗ đạt, sắm xe, trang điểm, ngồi làm việc trong phòng giấy
của chính phủ hay của các hãng tư. Và họ đang đứng tuyến đầu của phong trào đòi
cầu tiêu để tối thiểu sống sạch sẽ và tránh bệnh tật. Nạn không quan tâm đến
cầu tiêu cho phụ nữ tại Ấn Độ là nguyên nhân sinh ra các thứ bệnh đường tiểu
chưa nói đến các bệnh khác nguy hiểm hơn như tiêu chảy và thương hàn.
Trước đây có một số chính khách tiến
bộ tung ra phong trào tạo điều kiện tiêu tiểu có tiện nghi cho người phụ nữ
nhưng không thành công. Một phần do điều kiện vật chất chưa cho phép, một phần
do cản trở tâm lý.
Năm 2001 Ngân hàng Thế giới (World
Bank - WB) có kế hoạch giúp Ấn Độ xây chung cư cho người lợi tức thấp với phòng
vệ sinh tươm tất và thấy rằng đa số người Ấn Độ biến các phòng vệ sinh trong
nhà thành kho chứa.
Hiện nay WB thấy rằng phong trào “No
Toilet, No Bride” rất có kết quả. Cả nước lên cơn sốt xây cầu … tiêu . Ở nhiều
vùng quê thấp thoáng biểu ngữ “Không gả con gái về làm dâu nhà nào không có
phòng vệ sinh”, một yêu sách công khai không thể tưởng tượng được cách đây
chừng một thập niên. Các tay pha trò nhà nghề tại các rạp hát đã dùng khẩu hiệu
“No Toilet, No Bribe” để chọc cười khán giả và vô tình quần chúng hoá phong
trào … xây cầu tiêu.
Ông Bindeshwar Pathak, một người Ấn Đô
sáng lập phong trào “xây cầu tiêu” nói khi ông mới tung phong trào ra dư luận
quần chúng bĩu môi xem như ông khui một hũ mắm. Nhưng nay khác, người Ấn Độ nam
cũng như nữ xem chương trình của ông là “một cuộc cách mạng không đổ máu .”
Ông Pathak bây giờ có thể mạnh dạn nói
với các nhà lãnh đạo Ấn Độ rằng: muốn Ấn Độ trở thành cường quốc việc trước
tiên là có kế hoạch xây đủ cầu tiêu cho dân, trong nhà cũng như ngoài đường
phố.
Tôi nghĩ nhà lãnh đạo chính trị nước
nào cũng nên nghe lời khuyên đơn giản đó chứ không riêng gì Ấn Độ.
Viết đến đây tôi nhớ và thương Mẹ và
hai Chị của tôi quá. Cứ lấy một năm cho cụ thể. Năm 1940 tôi lên bảy, trong nhà
tôi có Mẹ và hai Chị. Nhà không có cầu. Phần tôi mỗi buổi sang tôi giải quyết
nhu cầu bằng cách chạy ra bờ sông Hương (nhà tôi cách bờ sông Hương 100 mét,
giữa nhà và sông là một thửa ruộng nhỏ) ngồi trên bờ ruộng thong thả nhìn trời
nhìn đất và giải quyết nhu cầu. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ tự hỏi Mẹ và
hai Chị tôi đã giải quyết như thế nào.
Bây giờ Mẹ và Chị đầu của tôi đã qua
đời chỉ còn Chị kế của tôi còn sống ở Huế. Chị kế tôi có chồng - ông ta đã qua đời - từng làm ăn khá giả nên
xây được một ngôi nhà gạch khá lớn bên bờ sông An Cựu nơi khu Nhà Đèn.
Một dịp về Việt Nam tôi lại thăm và
ngủ lại ở nhà Chị. Nhà cao cửa rộng nhưng cái cầu vẫn luộm thuộm. Cầu xây chung
với nơi giặt áo quần, nên lúc nào nền
cầu cũng ươn ướt. Và dùng xong phải múc nước dội cầu. Tôi biết Chị tôi có khả
năng làm một cái cầu trong nhà theo tiêu chuẩn Tây phương.
Tôi hỏi, Chị tôi trả lời : Cậu ơi (cậu
là cậu em) Chị thấy cầu như vậy là được rồi. Làm cầu tiêu khô ráo người ta cười
cho “cầu tiêu gì mà như một cái phòng ngủ!” Xưa kia ở với Ba Mẹ có cầu trong
nhà đâu mà cũng xong cả.
Tôi biết nói gì hơn. Có lẽ cuộc cách
mạng của người phụ nữ Ấn Độ hôm nay cũng phải là cuộc cách mạng của những nhà
lãnh đạo Việt Nam.
Phải bắt đầu cuộc
cách mạng từ cái nhỏ nhất như cái …. cầu tiêu.
Trần Bình Nam
Nov.
25, 2009