Fiscal Cliff?
Trần Bình Nam
Hoa Kỳ là một nước tiêu thụ. Cái gì ở
Hoa Kỳ cũng đắt đỏ hơn nhiều nước trên thế giới. Xe hơi, máy móc, vật dụng tiêu
thụ hằng ngày nếu chỉ kể một cách tượng trưng . Cho nên xe Nhật, xe Nam Hàn
tràn ngập các khu bán xe. Và các cửa hàng lớn quen thuộc như Target, Walmart,
Home Depot, Lowe đầy dẫy hàng Trung
quốc. Lĩnh vực khác như chi phí săn sóc sức khỏe, Hoa Kỳ cũng xài nhiều hơn
tính trên mỗi đầu người so với các nước Âu châu có trình độ y khoa không thua
kém gì Hoa Kỳ.
Thậm chí đến lĩnh vực truyền thông.
Thí dụ trước mắt là cuộc bàn luận về cái gọi là “Fiscal Cliff” trên các đài
truyền hình, nhất là các đài cho thuê như CNN, MSNBC, Fox … Mở đài nào cũng
thấy các đại diện dân, Dân biểu, Thượng nghị sĩ nói đến “Fiscal Cliff”. Nhưng
chỉ cần biết người đang phát biểu là Cộng Hòa hay Dân Chủ, khán thính giả sẽ
được nghe những lập luận lặp đi lặp lại giống nhau và ngược lại nhau mặc dù cả
hai đảng đều cùng tìm một công thức tài chánh (qua một luật ngân sách) để giảm
mức thâm thủng ngân sách quốc gia (deficit) và giảm nợ quốc tế (debt).
Dân Chủ nói cần tăng thuế cho 2% thành
phần có lợi tức cao (trên $250,000 mỗi năm), và giảm chi phí (một cách chừng
mực) các chương trình “quyền lợi – entitlement programs” như chương trình An Sinh Xã Hội (Social
Security), Bảo hiểm Y Tế cho người trên 65 tuổi( Medicare), Bảo trợ Ý tế cho
người có lợi tức thấp (Medicaid). Trong khi Cộng Hòa bảo không tăng thuế thành phần
có lợi tức cao để các ông bà này có tiền đầu tư giúp kinh tế phát triển và cần
cắt giảm chi phí hay tái cấu trúc các chương trình “quyền lợi” một cách căn
bản. Cuộc thảo luận trên các đài truyền hình có tính cách “tiêu thụ”, tiêu thụ
giờ của các đài (để hốt tiền quảng cáo mà khỏi mất tiền thực hiện chương
trình), tiêu thụ giờ của khán thính giả, vì không có lập luận nào có giá trị
được nêu ra. Ông Dân Chủ nói ông Dân Chủ phải, bà Cộng Hòa nói bà Cộng Hòa hay.
Cuối ngày không có một lợi ích trí tuệ nào qua các cuộc thảo luận đó cho khán
thính giả và cho túi khôn của quốc gia.
Nhưng trước khi đi vào mê hồn trận
truyền thông của John Boehner, Paul Ryan bên Cộng Hòa và Nancy Pelosi, Barack
Obama bên Dân Chủ, hãy hỏi: “Fiscal Cliff” là cái gì, và tại sao quốc hội và
tòa Bạch cung kéo nhau tới trước cái
“vực” (cliff) để cãi nhau cách nhảy qua vực (*)
Trở lại năm 2011 sau khi đảng Cộng Hòa
chiếm đa số tại quốc hội qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010 đảng Cộng
Hòa không chịu hợp tác với đảng Dân chủ cầm quyền trong công tác làm luật. Đụng
độ đầu tiên là vào giữa năm 2011 khi ngân sách quốc gia sắp hết tiền và quốc
hội cần quyết định sẽ vay các nước trên thế giới bao nhiêu tiền, và do đó nâng
tổng số nợ quốc gia (debt limit – trần nợ) lên giới hạn nào. Quốc hội cần
phải quyết định trước ngày 3 tháng 8, 2011 là ngày ngân sách quốc gia cạn tiền.
Nhân cơ hội này đảng Cộng Hòa đòi hỏi
phải có chương trình giảm chi phí quốc gia để giải quyết nạn thâm thủng mới
chịu tăng trần nợ. Dùng dằng nước đến
chân, vô lẽ để cho nền tài chánh Hoa Kỳ phá sản, ngày 3/8/2011 hai đảng mới thỏa thuận một luật “nâng trần
nợ” lên thêm 900 tỉ mỹ kim gọi là Luật
Kiểm soát Ngân sách 2011 (Budget Control Act of 2011) kèm theo nhiều điều
khoản mà các điều khoản quan trọng là:
1. Thành lập một Ủy ban lưỡng đảng 12
người có nhiệm vụ nghiên cứu và trình Quốc hội trước ngày 23/12/2011 một kế
hoạch giảm chi trong 10 năm tới tối thiểu trên 1200 tỉ mỹ kim. Kế hoạch giảm
chi này được đụng chạm đến bất cứ khoản nào trong ngân sách như: tăng thuế, cắt
chi phí quốc phòng, cắt các chương trình An sinh và Y tế như Medicare,
Medicaid. Nếu Ủy ban chỉ cắt giảm được dưới 1200 tỉ mỹ kim hoặc không đồng ý
nhau một chương trình cắt giảm nào cả (và quả thật đến tháng 11/2011 Ủy ban
Lưỡng đảng đã không thể thỏa thuận một chương trình cắt giảm nào) thì Luật Kiểm soát Ngân sách 2011 quy định:
2. Luật giảm thuế lợi tức 10 năm có
tên là: “Luật gỉảm thuế để giúp kinh tế
tăng trưởng và tạo công ăn việc làm” (Jobs and Growth Tax Relief Reconciliation Act of 2003) của tổng thống Bush ban hành
trong năm 2003 đáo hạn vào ngày 31/12/2012, sẽ không được gia hạn, nghĩa là
thuế lợi tức tăng lên như cũ đối với mọi người. Ngoài thuế lợi tức, thuế hưu
bổng (An sinh Xã hội và thuế Medicare) trừ trên lương tháng tạm giảm xuống 4.2%
(theo luật kích cầu thông qua đầu năm 2009) sẽ trở lại 6.2% .
3. Trần nợ được tự động tăng 1200 tỉ mỹ kim (tháng 2/2013 khi ngân sách bắt đầu
cần)
4. Chi phí quốc gia tự động bị cắt
gỉảm 1200 tỉ mỹ kim chia đều 50% chi phí quốc phòng, 50% chi phí không quốc
phòng.
5. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2013.
Ngoại
trừ quốc hội thông qua một luật nào khác trước ngày 31/12/2012.
Không có luật mới, sự thi hành Luật Kiểm soát Ngân sách 2011 gồm tăng
thuế (ngoài thuế lợi tức còn nhiều thứ thuế khác) và cắt giảm chi phí quốc
phòng, các chi tiêu liên bang và nhất các chương trình quyền lợi (entitlements)
sẽ đưa Hoa Kỳ vào một khung trời “kinh tế - tài chánh” mới mẻ chưa bao giờ Hoa
Kỳ “du ngoạn” qua, và ông Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Ben Burnanke hài
hước gọi là Cái vực tài chánh (Fiscal Cliff), một danh từ được
giới truyền thông ưa thích. Theo Jack Shakeley, Chủ tịch danh dự của California
Community Foundation, viết trong bài “Let’s
take the plunge” đăng trên Los
Angeles Times ngày 5/12/2012 thật ra nó là một cái “dốc” (fiscal hill), hay
một cái “rào cản” khó chịu (fiscal hurdles)
hơn là một cái “vực”. Nếu là một cái vực đó là cái vực tự đào để chôn
mình.
Ông Shakeley nhắc lại rằng đầu năm
2003, khi quốc hội chuyển luật giảm thuế 10 năm mục đích để giúp kinh tế tăng trưởng và tạo công ăn
việc làm (như tên gọi của bộ luật) qua phủ tổng thống để ký ban hành, 450
kinh tế gia Hoa Kỳ trong đó có 24 vị được giải Nobel kinh tế đồng lên tiếng kêu
gọi tổng thống Bush đừng ký ban hành bộ Luật. Các kinh tế gia nói với tổng
thống Bush rằng luật này không đạt được mục đích như cái tên của nó mà “chỉ làm cho ngân sách thâm thủng, đào rộng
thêm hố ngăn cách giàu nghèo, không cho chính phủ liên bang thực hiện các
chương trình xã hội cần thiết, và sẽ không làm cho kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng
tốt (nguyên văn: The law would “worsen the budget deficit, increase
inequality, decrease the ability of the U.S. government to fund essential
services, while failing to produce economic growth.”
Mười năm nhìn lại, các nhà kinh tế đã
tiên đoán đúng hậu quả xấu của luật “giảm thuế”. Hôm nay có cơ hội để cởi bỏ
cái tai họa đó thì các các ông bà nghị sĩ dân biểu lại cãi nhau như mất vàng
mất bạc!
Theo ông Jack Shakeley biết đâu cứ
cùng nhau cầm tay nhảy xuống cái Fiscal Cliff mà hay. Sẽ nhức nhối một chút vì
các cắt giảm quốc phòng, y tế và tăng thuế của giới nhà giàu sẽ làm cho kinh tế
khựng lại và suy thoái ít nhất trong nửa năm đầu của năm 2013. Nhưng rồi đứng
trước thực tế hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ phải tìm cách chấn chỉnh nơi nào
cần chấn chỉnh.
Kinh qua “cái vực tài chánh”, ngân
sách bớt thâm thủng, nợ nần quốc tế giảm xuống, sẽ mang lại lòng tin cho dân
chúng Hoa Kỳ. Và khi dân có lòng tin, chí thú làm ăn kinh tế sẽ tăng trưởng.
Cùng tất biến. Biến tất thông .
Trần Bình Nam
(*) Xem www.tranbinhnam.com à Bình Luận à
Tài liệu số 397
http://www.tranbinhnam.com/binhluan/ChiecXe_CocCach.html