Từ Hội nghị các nước Mỹ châu tháng 4
đến Thượng đỉnh NATO tháng 5/2012
Trần Bình
Nam
Vào trung tuần tháng 4, từ ngày 14 & 15 tin tức thế giới
tràn ngập vụ nhân viên “mật vụ” (Secret Service) Hoa Kỳ dính líu đến việc “dẫn gái
làng chơi” vào khách sạn Cartagena tại thủ đô Bogota của Columbia trong khi đi
làm công tác an ninh cho tổng thống Obama đến dự Hội nghị các nước Mỹ châu kỳ thứ 6 (còn gọi là Hội nghị Tây Bán
cầu). Tin tức hấp dẫn và “ngọt ngào” đến nỗi dư luận quên phứt Hội nghị. Hội
nghị họp hành thế nào? Thành bại ra sao không ai biết!
Kể
từ Hội nghị lần thứ nhất năm 1994 họp tại Miami, Florida do tổng thống Clinton
triệu tập đến nay, nỗ lực của Hoa Kỳ thành lập khu thương mãi tự do không còn
tính hấp dẫn vì ảnh hưởng của Trung quốc. Và trước các vấn đề tồn tại còn bế
tắc như tư cách hội viên của Cuba, chủ quyền của quần đảo Falklands trên nguyên
tắc thuộc ai (Argentina hay Anh quốc), vấn đề luật hóa sự xử dụng và buôn bán
ma túy … hội nghị không có chút hứa hẹn gì sẽ có tiến bộ.
Và
đúng vậy! Hội nghị kết thúc không có Thông cáo chung, và người ta không chắc sẽ
có Hội nghị lần thứ bảy, dù có ý kiến đề nghị họp năm 2015 tại Panama.
Nhưng
vụ “dẫn gái” của nhân viên Mật vụ làm lu mờ tin thất bại của Hội nghị Tây Bán Cầu
thế mà hay cho tổng thống Obama. Trong mùa tranh cử chuyện thất bại là chuyện
không nên nói đến, dù chính ông tổng thống không phải là người có trách nhiệm về sự thất bại đó.
Và
vì vậy, theo ông Harlan Ullman (Cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington D.C và là Chủ tịch Tổ chức
Killowen chuyên làm cố vấn cho các chính khách và giám đốc công ty trên thế
giới) có thể vụ “gái” là một sắp xếp của các phụ tá của Bạch Ốc.
Trong
một bài báo nhan đề: “Wag the Summit”
viết ngày 25/4 ông Ullman nhắc đến cuốn phim “Wag the Dog” (Chó phe phẩy
đuôi). “Wag the Dog” là một cuốn phim khôi hài dựa vào cuốn sách “American
Hero” của Larry Beinhart do nhà đạo diễn Robert De Niro thực hiện và khởi chiếu
cuối năm 1997 kể chuyện một ông tổng thống gần ngày tranh cử bị dính vào một
“scandal với phụ nữ”. Để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận ông tổng thống gây
ra một trận chiến tranh.
Do
một trùng hợp bất ngờ, một tháng sau khi cuốn phim “Wag the Dog” khởi chiếu thì
nổ ra vụ “Clinton-Lewinsky” kéo dài suốt năm 1998. Và người ta nghi ngờ các
hành động quân sự do ông Clinton ra lệnh trong năm 1998 như: Bỏ bom Iraq trong
3 ngày (Operation Desert Fox); Bắn
hỏa tiễn vào các căn cứ của bọn khủng bố tại Sudan và Afghanistan (Operation Infinite Reach); Cùng với
(NATO) bỏ bom Serbia một tháng là do
sự gợi ý tân kỳ của cuốn phim “Wag the Dog”.
Đi
xa hơn ông Harman Ullman đặt câu hỏi: Thế còn Hội nghị Thượng đỉnh của NATO vào
2 ngày 20 & 21/5 này tại Chicago sẽ ra sao?
Có
một số vấn đề tồn đọng như: vai trò của các nước trong khối NATO đối với
Afghanistan; vấn đề khủng hỏang kinh tế … chưa có gỉai pháp dứt khoát. Trong
khi đó ông Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra một nghị trình khó
thực hiện làm cho thượng đỉnh NATO khó thành công. Ông đề nghị NATO chấp thuận
một chương trình có mặt để bảo đảm an ninh cho chính phủ Afghanistan sau năm
2014 là năm quân đội Hoa Kỳ rút hết ra khỏi Afghanistan. Ông đề nghị một hàng
rào hỏa tiễn để trong tương lại phát triễn thành một hàng rào hoàn hảo bảo vệ
dân, lãnh thổ, và lực lượng quân sự của khối NATO. Các nước NATO tại Âu châu đã
quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh
Afghanistan và cũng không phấn khởi lắm với một hệ thống hỏa tiễn phòng ngự tốn
kém chỉ làm cho quan hệ với liên bang Nga trở nên căng thẳng.
Và
câu hỏi là: Hội nghị NATO thất bại thì ai có lợi và ai bị thiệt thòi? Câu trả
lời khá hiển nhiên: Ngoài Taliban, Liên bang Nga với Putin có lợi; Pháp, với
ông Francoise Hollande thuộc đảng Xã Hội nếu đắc cử tổng thống Pháp sau cuộc
bầu cử vòng hai (ngày 6 May) cũng có lợi. Cả hai ông Putin và Hollande đều
chống sự can thiệp của NATO vào Afghanistan. Hoa kỳ vốn là nước cầm chịch NATO
và muốn NATO tiếp tục tiếp tay với Hoa Kỳ tại Afghanistan rõ ràng không có lợi.
Riêng ông Obama không có lợi gì đối với cuộc tranh cử của ông cả.
Hôm
Thứ Ba 2/5/2012 tổng thống Obama đã làm một hành động ngoạn mục. Ông thực hiện
một chuyến bay bí mật sang Afghanistan, đến căn cứ Không quân Bagram. Tại đó
vào lúc 1:20 sáng (Thứ Tư 3/5 giờ Afghanistan) ông nói chuyện với binh sĩ Hoa Kỳ, và vào lúc 4 giờ sáng cùng ngày (tức
7 giờ 30 chiều ngày Thứ Ba 2/5 giờ Washington) ông đọc diễn văn 15 phút tường
trình chương trình rút quân và (cùng với NATO) bảo vệ sự an toàn của
Afghanistan như thế nào với dân chúng Hoa Kỳ qua truyền hình. Tổng thống Obama
đã chọn đúng chỗ và đúng lúc. Đúng một năm trước một đơn vị người Nhái Hoa Kỳ
đã cất cánh từ căn cứ Bagram bay sang Pakistan bắn chết Osama bin Laden. Chuyến
đi đạt hai mục đích: vận động tranh cử và vận động cho sự thành công của thượng
đỉnh NATO.
Thượng
đỉnh NATO là một cái đinh cho khủng bố phá hoại, và là một nơi lý tưởng cho
những thành phần chống chiến tranh biểu tình phản đối. Cảnh sát Liên bang (FBI)
và cảnh sát địa phương đã có biện pháp phòng chống khủng bố, biểu tình và sẽ có
lệnh cấm máy bay bay trên vùng trời họp thượng đỉnh trong hai ngày 20 &
21/5 .
Có
hai khả năng xẩy ra đối với Thượng định Chicago. Thượng đỉnh khó thành công và
sẽ không thông qua đựợc gì quan trọng. Nói cách khác là một “crash summit”. Thứ
hai sẽ có những cuộc biểu tình quy mô. Và lực lượng an ninh sẽ có khả năng hạn
chế các cuộc biểu tình trong vòng pháp luật.
Nhưng
nếu các cuộc biểu tình quá dữ dội làm cho truyền thông chỉ còn có thì giờ để
nói đến rối loạn mà quên làm tin về sự thất bại của Hội nghị thì đối với một
vài giới chức tại Bạch Ốc có đầu óc lập dị như các nhà đạo diễn phim “Wag the
Dog” cũng thấy tốt thôi./.
Trần Bình Nam
May 2, 2012