Giải phẫu
cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày
6/11/2012
Trần Bình Nam
Sau 3 tháng tranh cử quyết liệt giữa hai ứng cử viên: cựu
thống đốc Mitt Romney của đảng Cộng Hòa và đương kim tổng thống Barack Obama
của đảng Dân Chủ, cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 đã được kết thúc một cách nhanh
chóng. Vào 1 giờ khuya ngày 6/11, khi tổng thống Obama đạt được 303 phiếu
cử tri đoàn (dù bang Florida chưa kiểm
phiếu xong) thống đốc Romney, theo đúng truyền thống dân chủ của Hoa Kỳ, từ
hành dinh tranh cử ở Boston gọi điện thọai chúc mừng sự đắc cử nhiệm kỳ 2 của
tổng thống Obama lúc đó đang ở Chicago, và hứa hợp tác với tổng thống để phục
vụ quốc gia.
Về phía quốc hội, tuy còn vài bang hay vùng chưa ngã ngũ,
kết quả cũng đã rõ. Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ nghị viện và đảng Dân Chủ kiểm
soát Thượng nghị viện.
Như vậy kết quả cuộc bầu cử không làm thay đổi sự phân
chia quyền lực trong cơ cấu cầm quyền. Đảng Dân Chủ vẫn nắm
Hành pháp và Thượng Viện, đảng Cộng Hòa nắm Hạ nghị viện.
Tuy vậy thế đứng của hai đảng khác nhau. Tổng thống Obama
không còn bị ràng buộc bởi một cuộc tranh cử nào khác nữa sẽ được tự do hành
động hơn, và có thể thực hiện một số chương trình 4 năm trước đây ông hứa nhưng
dè dặt không đẩy mạnh như chương trình giảm độ nóng khí quyển và chính sách đối
với di dân đang cư ngụ tại Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp. Bốn năm tới của nhiệm
kỳ 2 sẽ cho tổng thống Obama thời gian chỉnh đốn và thi hành luật bảo hiểm sức
khỏe bình dân Affordable Care Act (còn được gọi một cách bình dân là Obamacare) ban hành tháng 3/2000 để nó
được gắn chặt vào sinh hoạt của nhân dân Hoa Kỳ (Affordable_Care_Act).
Nhìn lại, trong 4 năm ông Obama làm tổng thống, nền kinh
tế Hoa Kỳ không vươn lên nổi và nạn thất nghiệp vẫn triền miên, thế thường và
tiền lệ cho thấy ông khó đắc cử nhiệm kỳ 2, thế mà ông vẫn thắng do hai nguyên
nhân.
Thứ nhất, dân chúng Hoa Kỳ ghi nhận tổng thống Obama đã
làm được một số công việc trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như cứu nền kinh
tế suy sụp của Hoa Kỳ do hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq khỏi suy sụp
hơn, giúp bảo vệ kỹ nghệ chế tạo xe hơi, chỉnh đốn sự vận hành các ngân hàng
lớn và quan trọng nhất là thông qua luật bảo hiểm sức khỏe bảo đảm đến năm 2014
mọi người dân đều có bảo hiểm sức khỏe dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nhưng lý do quan trọng hơn là sai lầm trong sách lược
tranh cử của đảng Cộng Hòa và cá nhân thống đốc Romney. Khi ông Romney tuyên bố
ra tranh cử, dân chúng đặt nhiều hy vọng nơi ông để thay thế tổng thống Obama
vì đường lối trung dung của ông khi làm thống đốc bang Massachusetts. Nếu ông
Romney đã duy trì lập trường đó có lẽ ông đã thắng tổng thống Obama một cách dễ
dàng.
Rất tiếc, đảng Cộng Hòa không làm gì để giới hạn sự lựa
chọn, và đã có quá nhiều ứng cử viên cực hữu ra tranh với ông Romney. Trước
thắng lợi của cuộc tranh cử quốc hội năm 2010 do sự ra đời của nhóm Tea Party
cực hữu, đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Nghị viện, và nghĩ rằng lập trường
cực hữu đang ăn khách sẽ đưa đảng Cộng Hòa vào toà Bạch Ốc.
Trong cuộc chạy đua nội bộ để tranh thủ sự đề cử của
đảng, ông Romney đã bỏ lập trường trung dung vốn có của ông đối với các vấn đề
di dân, hạn chế sinh sản, bảo hiểm sức khỏe cho người yếu kém và nghiêng hẵn về
phía cực hữu. Lập trường ngã về cực hữu của ông làm cho cử tri thuộc thành phần
thiểu số và phụ nữ thất vọng, nhất là sau khi ông chọn dân biểu cực hữu Paul
Ryan đứng phó. Nên họ đã bất đắc dĩ chọn ông Obama. Đó là cái may của tổng thống Obama .
Sắc thái khác của cuộc bầu cử là tổng thống Obama tái đắc
cử nhưng không được sự ủng hộ của mọi thành phần trong xã hội. Ông Obama đã
thua tại hai bang Indiana và North Carolina, nơi ông đã thắng năm 2008. Trong
số 118 triệu rưỡi cử tri đi bầu cứ 50 người ủng hộ Obama thì có đến 48 người
ủng hộ ông Romney.
Mặt khác theo thống kê thì đa số người thiểu số, người da
đen, người gốc Mễ, phụ nữ, người nghèo ở trung tâm các thành phố dồn phiếu cho
tổng thống Obama. Trong khi đa số người da trắng, người theo đạo Thiên chúa,
dân sống các vùng sung túc ngoài thành phố ủng hộ thống đốc Romney. Bức tranh
đó cho thấy có sự chia rẽ sâu đậm trong quần chúng Hoa Kỳ. Trong 2 ngày liên
tiếp sau khi tổng thống Obama tái đắc
cử, thị trường chứng khoáng New York đã tụt xuống một cách thảm hại.
Kết quả cuộc bầu cử cho đảng Cộng Hòa thấy “cực hữu chưa
phải là ăn tiền” và nếu không dung hòa quan điểm với đảng Dân Chủ không có lợi. Kết quả có thể không khí đảng
phái tại quốc hội giảm bớt và quốc hội giải quyết được các bế tắc về thuế, về
cắt giảm chi tiêu, về chính sách đối với di dân, về chương trình làm sạch không
khí ..., nhất là dung hòa quan điểm để
chận đứng sự tự động tăng thuế và giảm chi tiêu các chương trình medicare và quốc phòng kể từ ngày
1/1/2013 (theo tinh thần luật ban hành ngày 3/8/2011 (cắtgỉam_tựđộng)
Ngoài vấn đề kinh
tế và ngân sách, đối ngoại là một ưu tiên và là một khó khăn khác của tổng
thống Obama.
Trước hết là chương trình nguyên tử của Iran. Ai cũng
biết dù dưới áp lực nào Iran cũng sẽ đạt đến điểm kỹ thuật sản xuất bom nguyên
tử. Vấn đề là Hoa Kỳ có thể thuyết phục Do Thái chấp nhận thực trạng không. Và
nếu Do Thái đánh bom Iran thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao?
Thứ đến là tổng thống Obama có khả năng thuyết phục Do
Thái và Palestine đi đến một giải pháp hòa bình đưa đến sự lập quốc của
Palestine và bảo đảm an ninh của Do thái không?
Thứ ba là Bắc Phi châu. Hoa Kỳ phải thi hành chính sách
gì tại đó để bảo đảm Libya và Ai Cập không trở thành hai nước Hồi giáo quá
khích và không làm nguy hại quyền lợi của Hoa Kỳ?
Và quan trọng nhất là đối sách đối với Trung quốc và
những nhà lãnh đạo mới sắp thay thế chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia
Bảo. Làm thế nào để Trung quốc hiểu rằng chọn thái độ ôn hòa tại Á châu Thái
Bình Dương và hợp tác với Hoa Kỳ để cùng giải quyết các vấn nạn thế giới thì có
lợi cho con đường tiến tới siêu cường của Trung quốc hơn.
Khi được tin tổng thống Obama tái đắc cử chủ tịch Hồ Cẩm
Đào gởi điện văn ngoại giao chúc mừng ghi nhận trong 4 năm qua quan hệ giữa hai
nước tốt đẹp và không có một lời bình luận nào về tương lai.
Trần Bình Nam
Nov. 9, 2012