Già Nhân Ngãi, Non Vợ Chồng
Trần Bình Nam
Đó là cách miêu tả của người Anh về
quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trước chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống
Obama tháng tới (11/2009). Cách miêu tả này được trình bày trong bài báo “The Odd couple” của tuần báo The Economist số ngày 24-30/10/2009 (*)
Bài báo viết:
Các chính trị gia Tây phương khi đọc
diễn văn trước một cử tọa người Trung quốc thường muốn tìm dẫn chứng từ nguồn
văn học của Trung quốc để tô điểm cho bản văn. Tổng thống Obama nói chuyện với
một số giới chức người Trung quốc và Hoa Kỳ tháng 7 vừa qua (TBN: trong buổi trao đổi
hằng năm đầu tiên trong chương trình “Strategic and Economic Dialogue” do sáng
kiến của tổng thống Obama để tạo điều kiện cho các nhà làm chính sách của Trung
quốc và Hoa Kỳ trao đổi ý kiến về những vấn đề hai nước đang phải đương đầu) đã dẫn một thành ngữ của Mạnh Tử (TBN: một triết gia Trung quốc, kế thừa triết
lý của đức Khổng Phu Tử, sống vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 trước Công nguyên) và sau này đã được Yao Minh một tay chơi bóng rổ người Trung
quốc nổi tiếng thế giới dùng: “Dù anh là thành phần mới hay cũ trong một tập
thể anh cũng cần có thời gian để thích ứng với các thành phần khác.” Trong ý
nghĩa đó tổng thống Obama muốn nói, dù Hoa Kỳ và Trung quốc tái thiết lập bang
giao với nhau đã 30 năm hai nước vẫn có nhu cầu thích ứng và tìm hiểu nhau.
Vấn đề chính là Hoa Kỳ và Trung quốc
đều không biết chắc quan hệ của hai nước sẽ dẫn tới đâu, mặc dù hai nước có rất
nhiều điểm chung. Trong 10 năm qua kinh tế hai nước gắn chặt hữu cơ với nhau.
Hoa Kỳ là nước vay nợ nhiều nhất và Trung quốc là nước chủ nợ lớn nhất. Hoa Kỳ
và Trung quốc cũng là hai quốc gia đang hợp tác nhau để giải quyết hai vấn nạn
lớn thế giới đang đối diện là (1) sự nóng dần của khí quyển, và (2) khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Hoa Kỳ và Trung quốc đều có một mối lo
chung là quan hệ hiện nay có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh dai dẵng
hay một cuộc đụng độ vũ trang. Trung quốc đang có chương trình xây dựng lực
lượng quân sự để một mai có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ tại Á châu và bảo vệ Đài
Loan. Trung quốc đang âm thầm đóng Hàng không mẫu hạm và các tướng lãnh Trung
quốc không hề hé răng với bất cứ ai về vấn đề này.
Sau lưng nỗ lực bành trướng này là sức
mạnh kinh tế của Trung quốc. Các công ty của Trung quốc đã “mua đứt” nhiều nước
tại Phi châu và Nam Mỹ, và kết bạn với các quốc gia mà các nước Tây phương
tránh xa (TBN:
vì độc tài hoặc vi phạm nhân quyền trắng trợn chẳng hạn). Với nguồn ngoại tệ phong phú và khả năng trời cho trong nghề làm ăn buôn bán, số tiền đầu tư của
Trung quốc tại các nước Tây phương càng ngày càng lớn. Và trên hết Hoa Kỳ nợ
Trung quốc 800 tỉ mỹ kim là một lưỡi gươm treo lủng lẳng trên đầu nền kinh tế
Hoa Kỳ.
Các quan sát viên trên thế giới cho
rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc sẽ căng thẳng hơn trong những năm tới vì
hai nguyên nhân: Thứ nhất, năm 2012 có hai cuộc bầu cử quan trọng tại Hoa Kỳ và
Đài Loan, và đại hội 18 của đảng cộng sản Trung quốc. Thứ hai hai nước có nhu
cầu điều chỉnh chính sách trước tương quan lực lượng mới. Thế giới đang nói tới
khối G2 gồm Hoa Kỳ và Trung quốc, cho rằng nền kinh tế hai nước xem như ngang
ngữa nhau và Hoa Kỳ và Trung quốc phải hợp tác nhau mới giải quyết được các vấn
nạn chính của thế giới (TBN: The Economist cho rằng quan niệm này không sát thực tế nếu không
muốn nói là nguy hiểm.)
Nền kinh tế Trung quốc hiện chỉ bằng
1/3 Hoa Kỳ và GDP tính theo đầu người chỉ bằng 1/14 của Hoa Kỳ, và khả năng
sáng tạo của Trung quốc còn thua xa Hoa Kỳ. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ
hiện lớn gấp 6 lần ngân sách quốc phòng Trung quốc. Vũ khí duy nhất của Trung
quốc là chủ nợ của Hoa Kỳ, nhưng Trung
quốc cũng không dễ dàng gì để khai thác (TBN: như bán đổ công khố phiếu của Hoa Kỳ ra
thị trường) vì khai thác thì đồng mỹ
kim mất giá, kinh tế của Trung quốc cũng bị ảnh hưởng lây. Khi dân chúng Mỹ
giảm tiêu thụ, trong khi Trung quốc tung tiền đẩy mạnh sự tiêu thụ trong nước,
cán cân thương mãi đang bất lợi cho Hoa Kỳ sẽ được giảm thiểu. Trong khi đó, nếu
Trung quốc đẩy mạnh sức ép kinh tế của mình ra các nước khác, thế giới sẽ có
khuynh hướng co cụm, nhất là tại Hoa Kỳ chỉ số thất nghiệp đang lên cao làm cho
khuynh hướng bảo hộ công nghiệp trong nước (protectionism) càng mạnh.
Về phương diện địa chính trị
(geopolitics) Trung quốc chưa có sức cũng như chưa có ý định đối đầu với Hoa
Kỳ. Trên mặt quốc tế Trung quốc có nhiều ưu thế và tự tin, nhưng trong nước họ
phải đối đầu với sự bất mãn triền miên của dân chúng với hàng chục ngàn vụ biểu
tình phản đối hằng năm. Tuy kinh tế phát triển nhưng tình hình trong nước khá
căng thẳng về các mặt xã hội, văn hóa, dân số và tôn giáo. Điều này giải thích
tại sao chính quyền Bắc Kinh hay nói tới tinh thần dân tộc. Trong bối cảnh đó
Hoa Kỳ không nhất thiết cần áp dụng một đối sách cứng rắn với Trung quốc vì cho
rằng mình đang bị Trung quốc đe dọa.
Sẽ là một sai lầm nếu Hoa Kỳ do lo sợ
sự lớn mạnh của Trung quốc mà gắt gao với Trung quốc về mặt kinh tế, đặc biệt
là mậu dịch, mà lơ là về mặt nhân quyền. Việc tổng thống Obama mới đây tăng
thuế đối với vỏ bánh xe do Trung quốc chế tạo chẳng có lợi gì nếu không muốn
nói chỉ khuyến khích tinh thần bảo hộ công nghiệp tại Hoa Kỳ. Đứng trước chỉ số
thất nghiệp xấp xỉ 10%, quốc hội Hoa Kỳ sẽ có khuynh hướng chỉ trích chính sách
xuất cảng ồ ạt của Trung quốc và giá trị quá thấp của đồng yuan (TBN: đồng yuan thấp, phẩm vật và hàng hóa Hoa Kỳ nhập cảng vào Trung
quốc với giá bằng đồng yuan cao nên khó bán)
và có thể tạo ra một trận chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Trong
trường hợp này cả hai nước đều bị tổn thương.
Trong chuyến công du Bắc Kinh sắp tới,
chắc chắn rằng tổng thống Obama không từ bỏ cái giá trị thứ nhất của Hoa Kỳ là
tự do mậu dịch thì tổng thống Obama cũng không nên từ bỏ cái giá trị thứ hai là
quyền tự do của con người (personal freedom). Hoa Kỳ không thể quan niệm rằng
vì Trung quốc đang lớn mạnh nên Trung quốc có quyền độc tài, và Hoa Kỳ chỉ dùng
đến vũ khí nhân quyền để áp lực Trung quốc khi có lợi cho mình. Tổng thống
Obama cần Trung quốc hợp tác để giải quyết sự khủng hoảng kinh tế thế giới và
điều tiết khí hậu địa cầu không có nghĩa ông Obama phải im lặng không dám chỉ
trích chế độ chính trị của Trung quốc. Thí dụ như mới đây tổng thống Obama ngần
ngại không tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng để lấy lòng Trung quốc chuẩn bị
cho chuyến đi tới của ông qua Tàu là một sự tránh né không cần thiết. Đảng cộng
sản Trung quốc có nhu cầu tạo uy tín đối với nhân dân Trung quốc nên cũng mong
muốn chuyến thăm viếng này là một thành công như tổng thống Obama muốn. (TBN: The Economist lấy
tâm lý của Mao Trạch Đông đối với cuộc thăm viếng Bắc Kinh của tổng thống Nixon
năm 1972 để áp dụng vào cuộc thăm viếng này. Nhưng vị thế hai nước đã rất khác
xa nhau trong hai trường hợp. Tuy Hoa Kỳ vẫn còn ưu thế đối với Trung quốc
nhưng lần này tổng thống Obama lên đường trong một tư thế tương đối yếu hơn lúc
tổng thống Nixon đi Trung quốc nhiều).
Tổng thống Obama cần chứng tỏ cho
Trung quốc và thế giới thấy rằng chế độ dân chủ vẫn là một chế độ tốt hơn. Lúc
này thế giới có vẻ khen Trung quốc về cung cách Trung quốc hợp tác giải quyết
cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự nóng dần của khí quyển và nỗ lực chống sự
lan tràn của dịch cúm heo, nhưng đừng quên rằng Trung quốc vẫn giải quyết các
vấn đề trên theo cung cách một nước độc tài. Lấy thí dụ về chính sách trồng cây
xanh (greenery) để chống sự nóng dần của khí quyển. Do chế độ tập quyền không
cần thảo luận dân chủ với dân và với các nước khác trên thế giới, Trung quốc
thực hiện kế hoạch trồng cây xanh một cách ồ ạt và nhanh chóng, trong khi đáng
lẽ cần giáo dục cho dân chúng biết sự quan trọng của kế hoạch (TBN: đối với tương lai
của sự sống trên địa cầu để dân chúng hợp tác bảo vệ kế hoạch) và sắp xếp để trao đổi kỹ thuật trồng cây xanh với các nước
khác trên thế giới thế nào để các nước có kỹ thuật tân tiến này không ngại sự
hiểu biết của mình sẽ bị đánh cắp.
Dưới bề mặt hoành tráng của cuộc diễn
binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập chế độ cộng sản tại Trung quốc hôm 1 tháng
10 vừa qua tại Bắc Kinh là dấu hiệu của sự yếu đuối của chế độ. Đảng cộng sản
Trung quốc đã không cho dân chúng tự do đến xem diễn binh vì ngại các cuộc biểu
tình phản đối của dân trước bàng quang thiên hạ.
Trung quốc càng giàu mạnh, sự bất ổn
trong nước càng lớn. Đảng cộng sản Trung quốc đã bắt giam các nhà đấu tranh dân
chủ, nhưng chính sách này sẽ không hữu hiệu về lâu về dài và sẽ thất bại. Trong
chuyến thăm viếng Bắc Kinh sắp tới tổng thống Obama nên gặp vài nhà đấu tranh
dân chủ thì sẽ thấy. Nếu Bắc Kinh có giận dữ thì nên để họ giận dữ cho quen. (TBN: nói dễ hơn làm.
Tháng 11 năm 2007 khi tổng thống Bush đến Hà Nội tham dự hội nghị APEC ông Bush
đã không dám gặp các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam đang bị canh gác và chận
cửa ngày đêm thì cũng khó mà tổng thống Obama gặp các nhà đấu tranh Trung quốc
đang bị chính quyền Trung quốc giam giữ).
Trần Bình Nam
Oct. 25, 2009
Trần Bình
|
http://www.tranbinhnam.com |