Thảm trạng Sandy Hook &
vấn đề giáo dục
Trần Bình Nam
Sáng Thứ Sáu 14/12/2012, tại trường sơ cấp
Sandy Hook ở thành phố Newtown, một thành phố miền quê xinh đẹp thuộc tiểu bang
Connecticut, khi các cô thầy vừa lên lớp
thì một tên sát nhân trang bị 2 khẩu súng lục hiệu Glock và Sig Sauer và một
súng bán tự động lòng dài cỡ đạn 5.7 mm loại tác chiến AR-15 bắn vỡ cửa đột nhập vào trường
bắn chết 26 mạng người gồm 20 em bé lớp Một (first grade), và 6 Thầy Cô, trong
đó có bà hiệu trưởng Dawn Hochsprung, 47 tuổi và cô giáo Victoria Soto 27 tuổi.
Khi thấy tên sát nhân cầm súng tiến vào bà Hochsprung thay vì bỏ chạy tiến tới
chất vấn và bị bắn tại chỗ. Phần cô Soto nghe tiếng súng và tiếng la bên cạnh,
biết có biến, cô dấu vội 15 đứa học trò nhỏ của cô vào phòng vệ sinh .Vừa xong
thì tên sát nhân vào thản nhiên bắn chết cô rồi bỏ đi. Sau khi thực hiện hành
động tàn sát tên sát nhân tự sát.
Cảnh sát nhận diện kẻ sát nhân là Adam Lanza
con của bà Nancy Lanza 52 tuổi, một phụ nữ trung lưu ly dị chồng, sống ở một biệt
thự cách trường 3km. Trước khi lấy xe và súng của mẹ lái đến trường, Adam Lanza
đã bắn chết bà Nancy Lanza khi bà còn trên giường ngủ.
Trong nhiều năm qua tại Hoa Kỳ đã có nhiều
vụ tàn sát bằng súng gây lo lắng trong dư luận, nhưng chưa có vụ nào gây xúc
động toàn quốc như vụ tàn sát này.
Tháng 4 năm 1999 hai sinh viên Dylan Klebold và Eric Harris bắn chết 12 sinh
viên và một giáo sư và làm bị thương 21 người khác tại trường trung học
Columbine ở Littleton, Colorado.
Tháng 4
năm 2007 tại đại học Virginia Polytechnic Institute ở Blacksburg, một sinh viên
gốc Nam Hàn Seung-Hui Cho bắn chết 32 người và làm bị thương 17 người khác
trong hai vụ tấn công riêng biệt.
Tháng
Giêng năm 2011 Jared Lee Loughner dùng súng
bắn chết 6 người và làm bị thương dân biểu Gabrielle Giffords tại Tucson,
Arizona.
Đó là những
vụ tàn sát tạo sự chú ý của dân chúng và truyền thông, và các giới chức chính phủ và quốc hội đặt
vấn đề giới hạn quyền mua sắm súng.
Nhưng lo
ngại việc mua bán súng dễ dàng là một chuyện, sự thích súng và nhu cầu dùng
súng là một chuyện khác vì dùng súng đã
trở thành một phần của văn hóa Hoa Kỳ.
Xôn xao
một hồi rồi mọi việc rơi vào quên lãng, dần dần truyền thông trở nên ít để ý
đến các vụ tàn sát lẻ tẻ.
Các vụ
bắn người xẩy ra trong năm 2012 như vụ Tháng 4 tại đại học Okios, Oakland, California, sinh viên One Goh bắn chết 7 người, vụ Tháng 5 tại quán cà phê ở Seattle, Ian Stawicki
bắn chết 4 người, vụ Tháng 7, James Holmes nổ súng nổ tại một rạp chiếu bóng ở
Aurora, Colorado giết 12 người và làm bị thương 58 người chỉ được báo chí nói
tới như là tin tức
Vụ tàn sát lần này ở Newtown Connecticut
tạo sự chú ý đặc biệt của truyền thông vì 20 trong 26 nạn nhân là học sinh lớp
Một tuổi từ 6 đến 7 tuổi đa số là bé gái. Trong 3 ngày liền các đài truyền hình
hầu hết ngưng các chương trình thông tin hằng ngày để nói và bàn về các khía
cạnh của cuộc tàn sát.
Một số chính khách nhân cơ hội đặt vấn đề
cấm súng. Quyền xử dụng súng được nhìn nhận bởi Tu chính Hiến Pháp số 2 năm
1791 cho phép công dân Hoa Kỳ có quyền có súng để tự vệ, thông qua những quy
định bởi luật liên bang và tiểu bang. Muốn cấm súng tuyệt đối phải tu chính
Hiến Pháp, là một điều khi có sự đồng thuận quốc gia cũng đòi hỏi nhiều thời
gian, chưa nói ý kiến người Mỹ rất dị biệt trong việc dùng súng.
Do lịch sử lập quốc, người Mỹ cần súng để
tự vệ, và trở thành một nếp sống của người dân dù quốc gia càng ngày càng ổn
định. Và càng có nhiều cuộc tàn sát do bạo động , người Mỹ càng thấy bất an và
sắm súng. Theo thống kê tại Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 300 triệu súng đủ loại
phần lớn là súng lục trong tay tư nhân, và hằng năm các công ty chế tạo súng
tại Hoa Kỳ sản xuất 5 triệu súng, trong đó 90% cho nhu cầu thị trường trong
nước. Và cứ mỗi lần có một vụ tàn sát tập thể bằng súng, các tiệm bán súng trở
nên đông khách hơn. Lần này cũng không khác. Trong khi truyền thông sôi sục thì
các tiệm bán súng chật ních người đi mua súng.
Họ mua vì sợ chính quyền sẽ cấm bán súng, nhưng chính yếu mua súng vì
mỗi cá nhân cảm thấy an ninh bị đe dọa.
Nói chung thái độ của tầng lớp trung lưu
đối với súng là vậy, ngoài ra tại Hoa Kỳ còn có hội Hội Súng Quốc gia (National Rifle Association - NRA) là một hội tư nhân rất mạnh về tài
chánh và do đó có khả năng vận động quốc hội và từng ngăn cản mọi nỗ lực của
quốc hội thông qua một bộ luật hạn chế khắc khe việc sắm súng và xử dụng súng.
Năm 1994 quốc hội thông qua Luật cấm dùng
súng trận (Federal Assault Weapons Ban) nói chung các loại súng tự động nòng
dài có khả năng sát thương cao có giá trị trong 10 năm. Năm 2004 hết hạn, quốc
hội, trước sự vận động của Hội NRA đã không tái gia hạn để cho bộ luật đó hết
hiệu lực. Theo cảnh sát trong vụ Newtown, Connecticut, Adam Lanza mặc dù mang
theo 3 khẩu súng, nhưng hầu như chỉ dùng khẩu súng trận AR-15, là loại súng
được bán hợp pháp từ năm 2004 sau khi luật “Federal Assault Weapons Ban” hết
hiệu lực .
Sau vụ tàn sát ở trường sơ cấp Sandy Hook,
bà Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (D-Calif.) cho biết đầu năm 2013 khi quốc
hội tái họp bà sẽ trình luật cấm súng trận trở lại, và tổng thống Obama qua các
phát biểu tại tòa Bạch Cung (14/12) và tại thánh lễ cầu hồn cho các trẻ em ở Newtown
(16/12) cho biết ông sẽ ủng hộ mọi nỗ lực ngăn chận súng trận trên thị trường. Và rất nhanh chóng, ngày Thứ Tư 19/12 tổng thống
đã đưa ra những nét chính của một luật hạn chế vũ khí. Chúng ta tiên đoán sẽ có
một cuộc đấu tranh gay go giữa quốc hội và Hội NRA, và khó tiên đoán được kết quả.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Cấm súng trận,
và kèm theo các điều kiện khắc khe để dùng súng có ngăn chận các cuộc tàn sát
tập thể bằng súng không? Câu trả lời hiển
nhiên là “có”. Nhưng thực tế có thể là “không” .
Để gây ra một vụ giết người tập thể cần
tối thiểu hai yếu tố: (1) súng đạn và (2) người bấm cò. Luật có thể hạn chế yếu
tố thứ nhất, nhưng luật không ảnh hưởng gì đến yếu tố thứ hai. Yếu tố thứ hai
thuộc phạm trù đạo đức, luân lý, lối sống và giáo dục gia đình.
Người bấm cò giết người vô tội vạ là một
sinh vật bệnh hoạn tâm thần và tha hóa. Bệnh tâm thần là một tai họa cho từng cá
nhân hoặc gia đình, nhưng tha hóa là do đời sống đạo đức xã hội, phương tiện
vật chất và giáo dục.
Cậu Adam Lanza 18 tuổi bị bệnh chống xã hội (autism) có thể do máu
huyết. Nhưng cậu được nuôi dưỡng trong một môi trường đầy súng đạn, và trò chơi
trong lúc thui thủi một mình không gì khác hơn là các game video bắn giết và chiến trận. Súng nổ trong game điện tử lâu dần làm cho cậu thấy kích
thích và khoái cảm, và cảm gíac của cậu hoàn toàn tách rời với thực tế. Bắn Mẹ,
rồi bắn trẻ nít trong lúc lên cơn khóai
cảm để rồi trước lửa đạn, nhìn thấy những thân hình trẻ nít xinh đẹp như thiên
thần gục ngã trong máu, có thể cậu có một giây kịp nhận ra thực tế và tự quay
súng bắn vào đầu.
Những khuôn mặt xinh đẹp, thơ ngây trong
trắng chết thảm khi tuổi vừa lên 6 lên 7 đã gây xúc động toàn quốc. Ngay cả Hội
Súng NRA cũng lên tiếng sẽ làm bất cứ gì để những vụ tàn sát bằng súng như vậy
sẽ không xẩy ra. Điều này không có nghĩa hội NFA sẽ ủng hộ các luật lệ khắc khe
về mua bán súng ống và dùng súng. Lập trường của NFA trước sau vẫn là: súng
giúp bảo vệ an toàn cho công dân Mỹ. Đối với các hội viên NRA có 3 thứ hiện hữu
không thể tránh được là: Thuế, Chết và Súng (thay vì chỉ có Thuế và Chết là hai
cái không ai tránh được).
Nói chung dân Mỹ không ai chờ đợi các luật
lệ về việc dùng súng khắc khe nếu được thông qua sẽ ngăn chận được các vụ bắn
người.
Các nhà quan tâm nghĩ rằng đời sống quá
tôn trọng tự do đến độ phóng túng tại Hoa Kỳ không làm cho con người định trí
để thấy chỗ đứng của mình trước thiên nhiên. Con người nhất là giới trẻ bị điều
kiện hóa bởi phim bạo động, trò chơi điện tử bạo động và bởi mọi thứ trên màn
ảnh nhỏ. Từ 7, hay 8 tuổi, trẻ em ngoài giờ học chỉ biết chúi đầu vào một đời
sống ảo giới hạn trên khung Ipad, TV. Chúng không còn thì giờ để tiếp cận với
thiên nhiên và trở nên tha hóa. Trong cái tình trạng tha hóa đó chỉ cần thêm
một bệnh tâm thần là bùng nỗ.
Truyền thông tại Hoa Kỳ đã mất nhiều ngày
để đào sâu các giải pháp ngăn chận các vụ bạo động bắn giết đông người bằng
súng, nhưng chỉ chú ý đến sự kiểm soát súng ống mà ít bàn về ảnh hưởng của xã
hội và giáo dục.
Chừng nào vấn đề giáo dục và môi trường xã
hội, vật chất cũng như tinh thần của trẻ em chưa được đặt ra trên một tầm vóc
quy mô để chấn chỉnh những hệ lụy của nó thì không có giải pháp dứt khoát để
ngăn chận các vụ bạo động bằng súng. Khe khắc với việc sắm súng và dùng súng chỉ
giúp được một phần rất nhỏ trong vấn nạn này./.
Trần Bình Nam
Dec. 20, 2012