Trung Quốc muốn chia đôi Thái Bình Dương?
Trần Bình Nam
Trong số mới
nhất của tờ Foreign Affairs, một tờ báo phát hành bởi Nghị Hội Ngoại Giao Hoa
Kỳ (Council on Foreign Relations) Giáo sư Seth Cropsey dựa vào lời tuyên bố mới
đây của Đô đốc Robert Willard Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương dự
đóan rằng Trung quốc không những chỉ muốn làm chủ Biển Đông mà còn muốn làm chủ
Thái Bình Dương hay ít nhất chia đôi quyền hoạt động trên Thái Bình Dương.
Seth Cropsey là
một khuôn mặt thuộc giới cực hữu xuất thân từ đại học Harvard - St. George ở
Chicago và lấy bằng MA tại đại học St. John’s College ở Boston. Ông từng phục
vụ trong chính quyền của tổng thống Reagan và tổng thống George H.W. Bush (Bush
lớn) cũng như tại các cơ sở cực hữu như Heritage Foundation, American
Enterprise Institute … Trong chính phủ George W. Bush (Bush nhỏ) ông làm giám
đốc Cơ quan Phát Thanh Quốc tế (International Broadcasting Bureau). Ông hiện
dạy học tại Đại học Chicago (University of Chicago). Quan điểm của ông là Hoa
Kỳ phải mạnh và phải hành động mạnh. Nhưng cái khó bó cái khôn. Vấn nạn là
“tiền đâu?”.
Trong một bài
báo nhan đề: “Keeping the Pacific
Pacific: The looming U.S. Chinese Naval Rivalry” (tạm dịch: Cuộc tranh
quyền làm chủ Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và
Trung quốc) giáo sư Seth Cropsey viết:
--:o0o:--
Khi thăm viếng Nhật Bản cuối tháng Tám
vừa qua, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương
nói với các nhà báo rằng Trung quốc gần như đã sẵn sàng cho Hỏa tiễn đạn đạo đánh tàu thủy
(anti-ship ballistic missile – ASBM) hoạt động. Đây sẽ là thứ vũ khí đầu tiên
trên thế giới. Vũ khí đánh tàu trên biển như cruise missile (hỏa tiễn bay ngang) xưa nay không hiếm nhưng tốc độ
chỉ bằng 1/10 tốc độ của hỏa tiễn đạn đạo, và tầm hoạt động tối đa là 600 dặm,
có sức công phá ít hơn và do đó ít nguy hiểm. Trái lại, theo một tài liệu của
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hỏa tiễn ASBM của Trung quốc có tầm 1000 dặm.
Các nhà hoạch định sách lược của Trung
quốc dự tính rằng ASBM có khả năng đánh chìm những mẫu hạm lớn của Hoa Kỳ khi
những mẫu hạm này còn rất xa bờ biển Trung quốc, xa ngoài tầm của các phản lực
cơ chiến đấu tối tân sắp chế tạo có tầm hoạt động 600 dặm. Do đó ASBM sẽ thực
hiện được mục tiêu chiến lược của Trung quốc là không cho Hải quân Hoa Kỳ hoạt
động một cách an toàn tại phía Tây Thái Bình Dương, cách bờ biển châu Á 1000
dặm.
Sự
tranh chấp giữa Trung quốc và Đài Loan là mối đe dọa lớn nhất cho Hải quân Hoa
Kỳ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Nếu Trung quốc có ASBM thì Hoa Kỳ không có
khả năng giữ lời cam kết bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung quốc tấn công. Hải quân
Hoa Kỳ chưa có vũ khí chống ASBM và không có chương trình chế tạo. Trong trường hợp này ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại
Á châu đương nhiên bị giảm sút. Hậu quả là chính sách làm bá chủ trong vùng của
Trung quốc trở nên một thực tế và sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong
vùng.
Các nước đồng minh của Hoa Kỳ đặc biệt
ba nước Úc châu, Nhật Bản và Nam Hàn tự hỏi phải làm gì khi Hải quân Hoa Kỳ
không còn hoạt động tự do trong vùng Tây Thái Bình Dương để duy trì hòa binh
tại đó như Hoa Kỳ đã làm trong nhiều thập niên qua, mà thí dụ điển hình nhất là
năm 1995 và 1996 tổng thống Clinton đã cho các mẫu hạm đặc nhiệm vào eo biển Đài
Loan và giải quyết được sự căng thẳng giữa Trung quốc và Đài Loan.
Nếu Hải quân Hoa Kỳ không còn bảo vệ
được Tây Thái Bình Dương các nước trong vùng
phải tìm cách tự vệ. Tháng Bảy vừa qua, lần đầu tiên sau 36 năm kể từ
khi chấm dứt Thế chiến 2, Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng tàu ngầm.
Mùa Xuân năm 2009 Úc châu cũng công bố chương trình tăng cường hạm đội tàu ngầm
và mua thêm nhiều chiến hạm tối tân. Nam Hàn cũng đang tối tân hóa Hải quân và
lực lượng đổ bộ của mình. Nam Hàn còn một bận tâm khác là câu hỏi: Nếu Trung
quốc bảo đảm với Nam Hàn sẽ không xâm lăng Nam Hàn với điều kiện Nam Hàn yêu
cầu quân đội Mỹ rút quân ra khỏi Nam Hàn thì Nam Hàn sẽ tính sao?
Cho đến lúc này các nhà hoạch định
sách lược Hoa Kỳ chưa xem sự phát triển khả năng hỏa tiễn của Trung quốc là một
đe dọa – vì Hoa Kỳ đang dồn sức vào chiến tranh trên bộ mà quên vai trò quan
trọng có tính lịch sử của Hải quân.
Sau nhiều tháng quan sát chính sách
ngọai giao có tính bành trướng của Trung quốc, Đô đốc Wiillard mới lên tiếng
bày tỏ sự lo lắng về khả năng đánh chìm các mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Tháng Ba vừa qua Bắc Kinh tuyên bố
Biển Đông là vùng “quyền lợi thiết yếu”
(core interest) của Trung quốc. Biển Đông là một vùng biển quốc tế chạy dài từ
Trung quốc đến Phi Luật Tân, xuống tận vùng
biển rộng hơn giữa Mã Lai Á và Việt Nam. Biển Đông là hải lộ thương mãi nối
liền Đông Á và Trung Đông, trong đó dầu thô là chính yếu. Biển Đông có nhiều
đảo nhỏ các nước chung quanh như Brunei, Mã Lai Á, Phi Luật tân, Việt Nam đang
tranh giành chủ quyền với Trung quốc. Khi tuyên bố Biển Đông là “vùng quyền lợi
thiết yếu” Trung quốc muốn nói Biển Đông là vùng biển của mình và sẽ bảo vệ nó
bằng sức mạnh quân sự.
Giữa tháng 7/2010, bốn tháng sau lời
tuyên bố độc quyền trên, Tân Hoa Xã trích lời một giới chức quân sự cao cấp
trong ngành nghiên cứu của Trung quốc nói rằng Hoàng Hải (Yellow Sea), vùng
biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung quốc là “vùng
quyền lợi thiết yếu có tính sinh tử của Trung quốc (pivotal core interest)
chẳng những thiết yếu về phương diện
hàng hải mà còn thiết yếu cho an ninh của Trung quốc”.
Đầu tháng 9, tại Hoàng Hải xẩy ra vụ
đụng chạm giữa Nhật Bản và Trung quốc khi Hải quân Nhật bắt giữ một tàu đánh cá
của Trung quốc vào quá gần quần đảo Senkaku. Quần đảo Senkaku hiện trong tay
Nhật nhưng Trung quốc cho là đảo của mình.
Tháng Tám Trung quốc loan tin một tàu
ngầm nhỏ của Trung quốc có người lái đã cắm cờ của Trung quốc dưới đáy Biển
Đông, ý nói Biển Đông thuộc chủ quyền mình. Lời tuyên bố “vùng quyền lợi thiết
yếu” và việc cắm cờ chủ quyền đều là những hành động vừa vi phạm luật quốc tế
vừa có tính khiêu khích.
Những lời tuyên bố mới đây của Trung
quốc cho thấy Trung quốc không có thái độ nhượng bộ. Trong tháng Bảy sau khi
chính quyền tổng thống Obama (qua lời tuyên bố tại Hà Nội của bà Bộ trưởng
Ngoại giao Hillary Clinton) đề nghị giải pháp thương thuyết đa phương để giải
quyết cuộc tranh chấp tại Biển Đông, ông Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Dương
Khiết Trì (Yang Jiechi) nói với một nhà ngoại giao Singapore rằng, “hãy nhìn
vào thực tế Trung quốc là một nước lớn và các nước khác chỉ là những nước nhỏ”
(China is big country and other countries are just small countries, and that’s
just a fact) (1)
Người ta đặt câu hỏi: không biết Trung
quốc sẽ hành xử như thế nào khi trở thành bá chủ trong vùng. Sức mạnh quân sự
lớn mạnh theo cấp số nhân đe dọa ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Đông Á, cùng những
lời tuyên bố mạnh miệng của Trung quốc cho thấy một tương lai khó khăn cho
những nước trong vùng từ trước đến nay vẫn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ là: duy
trì sự tự do lưu thông trên biển; không có tham vọng đất đai; và ngăn không cho
nước nào trở thành bá chủ trong vùng Á châu.
Người Á châu có kinh nghiệm để biết
rằng “sức mạnh tạo ra quyền lực và hải lực có thể tạo ra sức mạnh”. Hạm đội của
Tây Ban Nha chiếm Phi Luật Tân trong thế kỷ thứ 16, và trong suốt thế kỷ thứ 19
và phần đầu của thế kỷ 20 Hải quân của đế quốc Anh làm chủ vùng biển Tây Thái
Bình Dương.
Nhưng đối với Trung quốc bài học biến
hải lực thành sức mạnh chính trị là bài học Nhật Bản. Lịch sử bành trướng của
Nhật trong mấy thập niên sau của tiền bán thế kỷ 20 cho thấy Á châu sẽ bị đe
dọa như thế nào khi có một nước có nhiều tham vọng trở thành bá chủ trong vùng.
Sau khi Hải quân Nhật kiểm soát toàn
bộ vùng Tây Thái Bình Dương Nhật đã xâm lăng, uy hiếp và đàn áp các nước chung
quanh. Với khả năng chuyên chở binh sĩ bằng đường biển Nhật đã đe dọa an ninh
từ Ấn Độ đến Hawai.
Điều này không có nghĩa khi mạnh như
Nhật (vào thời đó) Trung quốc sẽ hành động như Nhật Bản. Nhưng hiện nay khi
thấy Trung quốc tăng triển lực lượng hải quân, chế tạo ASBM và tuyên bố chủ
quyền những vùng biển quốc tế các nước Úc, Ấn Độ và Việt Nam đều lo và tìm cách
tăng cường hải lực của mình. Sự chạy đua vũ trang này chứng tỏ sự an
ninh và ổn định tại Tây Thái Bình Dương trước đây nhờ sự hiện diện của
hạm đội Mỹ sẽ không còn nữa.
Hỏa tiễn ASBM của Trung quốc là một đe
dọa. Nhưng Hoa Kỳ cũng có thể giảm thiểu mối đe dọa này bằng cách đóng nhiều
những mẫu hạm nhỏ hơn và tăng tầm hoạt động của các phản lực cơ cất cánh từ mẫu
hạm. Lúc này với tình trạng ngân sách thâm thủng Hoa Kỳ khó thực hiện việc đóng
tàu và chế tạo máy bay tốn kém này. Mặt khác ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert
Gates cho rằng trong tương lai Hải quân không còn là tượng trưng của sức mạnh.
Vì vậy hiện nay chính phủ Hoa Kỳ áp
dụng chính sách khả dĩ nhất là: tăng cường mối quan hệ liên minh với các nước
trong vùng Tây Thái Bình Dương và giúp hình thành một thỏa thuận chung để giải
quyết sự tranh chấp biển đảo trong Biển Đông .
Ngoài ra Hoa Kỳ nên mở rộng các cuộc
thao dượt hải quân chung với các nước đồng minh trong vùng. Hoa Kỳ cần giữ lịch
trình tập trận ngoài biển chung với Nhật Bản vào tháng 12 năm nay chung quanh
quần đảo Ryukyu, một quần đảo nằm trên
vùng ranh giới phía đông của biển Đông Trung quốc (East China Sea).
Chính phủ Obama nên bỏ lệnh ngầm cấm
các giới chức Hải quân Hoa Kỳ công khai nói lên sự đe dọa của sự lớn mạnh của
Hải quân Trung quốc. Sự “nói lên” này có
thể làm cho Quốc hội quan tâm và thay đổi chính sách giảm ngân sách của hải
quân Hoa Kỳ hiện nay.
Nếu Hoa Kỳ không có một lực lượng an
ninh hùng mạnh và một chính sách ngoại giao cứng rắn tại Đông Á thì Hoa Kỳ sẽ
mất tư thế một nước có vai trò hàng đầu trong vùng Thái Bình Dương. Điều này sẽ
làm thiệt hại quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ và sự an ninh của gần một nửa dân số
thế giới.
ASBM của Trung quốc chưa phải là thứ
vũ khí đáng sợ đe dọa tương lai của Hoa Kỳ. Cái đe doạ Hoa Kỳ chính là ở chỗ
Hoa Kỳ không huy động được nội lực để
duy trì sức mạnh của mình./.
Trần
bình Nam
(lược dịch)
Oct.
3, 2010
(1) ý rằng lớn nhỏ không thể ngồi chung với nhau cá mè một
lứa được.