Ý kiến về Thư Ngỏ
của 36 nhà trí thức hải ngoại
Trần Bình Nam
Bức thư ngỏ của 36 nhà trí thức Việt
Nam sống tại hải ngoại gởi nhà cầm quyền Hà Nội hôm 21 tháng 8 liên quan đến nguy
cơ của đất nước đã tạo được sự chú ý của dư luận.
Nhưng đồng thời cũng bị một số nhà trí
thức khác phê bình một cách nghiêm khắc.
Đa số nặng lời với người chủ trương là giáo sư Lê Xuân Khoa và một số
người khác nhắm vào giáo sư Vũ Quốc Thúc chỉ trích ông sao lại ký tên trong
Thư Ngỏ.
Lập luận chỉ trích chung chung cho
rằng khi gởi Thư Ngỏ cho chính quyền Hà Nội, 36 nhà trí thức ký tên:
(1) đã chấp nhận tính chính danh của
các người cầm quyền tại Hà Nội.
(2) và chính quyền Hà Nội sẽ không
thèm đếm xỉa đến ý kiến của chúng ta nên gởi thư cho họ là một hành động ngây
thơ.
Tranh luận và bày tỏ khác biệt ý kiến
là một sinh hoạt dân chủ. Rất tiếc có nhiều nhà trí thức đã bày tỏ ý kiến với 36 vị ký tên bằng một số
lời lẽ nặng nề một cách không được trí thức lắm. Đặc biệt tôi thấy một thư thật
dài của một cựu quân nhân phê bình giáo sư Vũ Quốc Thúc lời lẽ thật hùng biện,
nhưng đặt vấn đề không đúng chỗ, nhạt như một bát phở nhiều nước không có thịt, chỉ để chứng minh rằng giáo sư Thúc
đã không hiểu thế nào là chính danh!
Trong khi viết cho đã và nói cho thỏa thích, chúng ta đã không thấy ý
nghĩa chính trị của sự việc và vô tình đập phá luôn những giá trị Việt Nam. Tôi
muốn nói giáo sư Vũ Quốc Thúc với những gì ông đã đóng góp cho đất nước là một
giá trị Việt Nam.
Bàn về Thư Ngỏ, trước hết tôi thấy
giáo sư Lê Xuân Khoa (tôi không là đồng
nghiệp và chưa có hân hạnh quen biết giáo sư Lê Xuân Khoa) có sáng kiến viết
Thư Ngỏ và 35 vị trí thức còn lại đồng ý ký tên là một hành động can đảm. Can
đảm vì, như một thông lệ, ở hải ngoại này 36 năm qua không có một việc làm gì
của một nhóm người mà không bị nhóm khác chỉ trích. Chỉ trích xây dựng thì ít,
chỉ trích để có tiếng nói thì nhiều. Thói quen này làm cho những người có suy
nghĩ dè dặt không muốn đóng góp ý kiến về bất cứ vấn đề gì, và đó là một thiệt
thòi lớn cho cuộc đấu tranh vãn hồi tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Về hai điểm bị chỉ trích tôi nêu trên
thì qua giải thích của giáo sư Vũ Quốc Thúc và đặc biệt qua thư của giáo sư Lê
Xuân Khoa trả lời ý kiến của nhà báo Trần Phong Vũ đã quá chặt chẽ, đầy đủ và thuyết phục.
Nói về tính chính thống của chính
quyền tại Hà Nội thì dứt khoát đa số người Việt tại hải ngọai không công nhận
sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam vì sự cai trị đó được áp đặt bằng vũ lực
và sau đó bằng những cuộc bầu cử gian trá, nhưng chúng ta không thể phủ nhận
rằng chính quyền Hà Nội là một chính quyền được thừa nhận theo công pháp quốc
tế.
Chúng ta đang thấy gì trước mắt? Ông
Kadafi từng bị nhân dân Libya oán ghét, và đang bị phe nổi dậy với sự trợ lực
của khối NATO (trong đó có Hoa Kỳ và Anh quốc) lùng bắt để đưa ra tòa. Nhưng
khi ông ta đang còn cầm quyền thì bà ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đến gặp ông ta tại Tripoli, và bản
thân ông Kadafi đã được thủ tướng Anh Tony Blair đón tiếp một cách đúng nghi lễ
tại dinh thủ tướng tại số 10 Downing, London.
Hơn nữa lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức
Việt Nam hải ngoại gởi đi như gởi cho một thực thể, chứ không minh danh công
nhận hay không công nhận gì tính chính danh của nó. Ngoại trừ chúng ta cùng với
nhân dân lật nó xuống rồi xử lý công việc quốc gia theo chương trình của mình.
Còn nếu chưa, và chúng ta sốt ruột muốn cứu nước thì chúng ta phải góp ý với
cái chính quyền chúng ta không công nhận đó thôi.
Thư Ngỏ yêu cầu chính quyền Hà Nội cần
làm điều này điều khác khi đất nước đang trong cảnh “chỉ mành treo chuông”
không có tính “hòa hợp hòa giải”. Nói
đến hòa hợp hòa giải còn phải có một số điều kiện tiên quyết, tối thiểu đảng
cộng sản Việt Nam phải bỏ Điều 4 Hiến
Pháp tạo một cái khung pháp lý để dần dân chủ hóa đất nước qua sự trọng
tài của dân. Các nhà trí thức ký Thư Ngỏ
biết rõ rằng chưa thể nói chuyện hòa hợp hòa gỉải với những người cộng sản
trong lúc này. Nhưng chuyện cứu nước như cứu hỏa không thể trì hoãn được .
Còn cho rằng nói với người cộng sản như “nói với kẻ điếc” thì nếu đảng cộng sản Việt
Nam bịt tai bịt mắt không thèm nghe, thì còn đồng bào hải ngoại, còn nhân dân
trong nước, còn cộng đồng thế giới nghe và tạo áp lực ngược lại lên đảng cộng sản
việt Nam.
Tóm lại lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức
hải ngọai nếu không làm thay đổi thái độ của người cầm quyền cộng sản Việt Nam,
nó cũng không làm gì thiệt hại cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền
của nhân dân trong và ngoài nước nếu không muốn nói (cho đến giờ này) nó có một
tác dụng tích cực.
Tôi ước mong rằng những sự chỉ trích
phê bình nặng nề có, nhẹ nhàng có đối với Thư Ngỏ ngày 21/8/2011 sẽ không làm
chùn lòng thành phần trầm lặng trong và ngòai nước .
Chúng ta hãy mường tượng, nếu một bức
Thư Ngỏ 36 người ký không đáng gì, nhưng một Thư Ngỏ có 3600 người hay lạc quan
hơn có 36 ngàn người trong và ngoài nước ký thì sức mạnh của nó sẽ như thế nào?
Nó có thể làm bật dậy sức phản kháng của nhân dân làm cho người cộng sản không
thể ù lì bịt tai che mắt mãi được.
Họ phải đáp ứng nguyện vọng của nhân
dân hay họ phải ra đi./.
Trần Bình Nam
Sept. 13, 2011