Tuần báo “The Economist” số ngày 25-31 /7/ 2015

Về cuộc tranh chấp hiện nay trên Biển đông và biển Nhật bản

Trần Bình Nam phóng dịch

“Small Reefs, Big problems: Asian coast guards are

in the front line of the struggle to check China”

 

Hiện nay trên biển Nhật bản, các hải đội tuần duyên (coast guards) của Trung quốc và Nhật bản vờn nhau như chơi trò cút bắt. Cứ đều đặn10 ngày hay một tuần một lần, sáng sớm một hải đội tuần duyên nhỏ của Trung quốc đến chờn vờn chạy lấn vào 12 hải lý của đảo Senkaku (Trung quốc gọi là đảo Diaoyu) rồi đến khoảng trưa bộ ngoại giao Nhật bản ra thông cáo phản đối Trung quốc vi phạm hải phận. Mỗi lần tàu tuần duyên Trung quốc xuất hiện, tàu tuần duyên Nhật bám sát cảnh cáo Trung quốc, và tàu tuần duyên Trung quốc chạy một hồi cho đã rồi rút lui.

Trò chơi cút bắt này so với cường độ đụng chạm tưởng chừng như Trung quốc và Nhật bản sắp đánh nhau tại đó năm 2012 là một dấu hiệu hai bên đều muốn tránh căng thẳng.

Trung quốc xuống thang vì Nhật bản không phải là nước dễ bị bắt nạt. Sau lưng tàu tuần duyên trang bị vũ khí nhẹ hải quân Nhật lúc nào cũng sẵn sàng để yểm trợ. Hơn nữa Hoa Kỳ cho biết nếu có đụng độ giữa Trung quốc và Nhật bản Hoa Kỳ sẽ đứng về phía Nhật bản.

Tại biển Nhật bản thì vậy, nhưng tại Biển đông trong vùng quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và Phi luật tânTrung quốc không hiền lành như vậy. Việt Nam và Phi luật tân yếu hơn Nhật và Hoa Kỳ không có một cam kết bảo vệ nào dứt khoát như đối với Nhật bản.Từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, nhất là từ năm 1992 rút khỏi căn cứ Subic Bay của Phi luật tân, Biển đông là một khoảng trống quyền lực. Trong năm qua Trung quốc đã ngang nhiên kéo dàn khoang dầu vào vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của Việt Nam. Và trong nhiều năm qua đã âm thầm đắp các đảo tí hon hay các mỏm đá nhỏ trong vùng Trường Sa thành những căn cứ.

BienDongMapSự phát triển hải quân nước sâu (TBN: hải quân có khả năng hoạt động trên đại dương xa căn cứ đất liền) của Trung quốc làm cho Việt Nam và Phi luật tân lo âu, nhất là khi ông Tập Cận Bình luôn nhắc đến chiến lược của Trung quốc là “lớn mạnh trong hòa bình” và “cân bằng quyền lực giữa các nước lớn” xem như đối với Việt Nam  và Phi luật tân là chuyện nước nhỏ không đáng kể.

Tại Bắc Kinh cũng như tại Hoa Thịnh Đốn, các nhà chiến lược không ngừng bàn tán về “cái bẫy Thucydides” là câu chuyện đánh nhau giữa hai nước Athens và Sparta vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên  do sử gia Thucydides ghi lại. Sparta là thế lực đương thời, trong khi Athens là thế lực đang lên. Sparta lo lắng và đánh phủ đầu Athens. Người ta lo rằng một nước đang ở thế siêu cường (như Hoa Kỳ hiện nay) sẽ đụng độ với một siêu cường đang lên (như Trung quốc). Các chiến lược gia Nhật bản lại dùng một hình ảnh so sánh khác. Nhật bản nói sự phát trển hải quân nước sâu của Trung quốc và sự nóng vội lấn biển của Trung quốc hiện nay sẽ sinh ra chiến tranh không khác gì sự phát triển bộ binh và sự nóng vội chiếm đất của Nhật bản trong thập niên 1930, 1940 đã sinh ra cuộc đụng độ Thái bình dương giữa Hoa Kỳ và  Nhật bản .     

Hiện nay Trung quốc dấu kỹ vũ khí, và đẩy mạnh sự tranh chấp trên mặt trận ngoại giao, vận động sử gia bênh vực, vẽ họa đồ đáy biển,  đắp đảo xây dựng cơ sở vật chất mà Trung quốc nói là để phục vụ sinh hoạt của ngư dân như đèn pha, cảng tránh bão, phương tiện cứu hộ …

Nhưng mới đây Hoa Kỳ đã hé cho thế giới thấy các xây dựng, đặc biệt trên hòn đá Chữ thập (Fiery Cross Reef) gồm một phi đạo dài 3km cho máy bay quân sự đáp, nhiều kho có mái che cho máy bay phản lực đậu và những dàn súng phòng không. Các sĩ quan hải quân Hoa Kỳ cho rằng các cơ sở quân sự này chỉ là “những mẫu hạm không chạy được” trong trường hơp chiến tranh sẽ bị hải quân Hoa Kỳ đánh chìm trong nháy mắt.  Nhưng nếu chưa bị đánh chìm (vì chưa có chiến tranh) thì các cơ sở vật chất này vẫn giúp Trung quốc biểu dương sức mạnh trên Biển đông .

Đường 9 đoạn bao gồm hầu hết Biển đông do Trung quốc đơn phương vẽ là đầu mối tranh chấp với các nước chung quanh. Bên trong đường 9 đoạn có nhiều đảo nhỏ và nhiều cụm đá ngầm của Việt Nam và Phi luật tân. Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ai làm chủ mỏm đá nào chừng nào không ai đụng chạm đến quyền lưu thông trong vùng biển và trên vùng trời Biển đông của Hoa Kỳ và của thế giới nói chung.  Thỉnh thoảng Hoa Kỳ cho máy bay thám thính quân sự bay gần các đảo mới đắp của Trung quốc để nhắc cho Trung quốc biết lập trường của Hoa Kỳ.   

Trung quốc không phải là nước đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất tại Trường Sa nhưng sự xây cất quy mô của Trung quốc làm cho cuộc tranh chấp càng ngày càng khó giải quyết. Lời hứa của Trung quốc sẽ cùng với các quốc gia chung quanh Biển đông soạn thảo một “Quy tắc ứng xử” sẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Và các nước Đông nam á không có sự lựa chọn nào khác hơn là tìm thế đối trọng nơi Hoa Kỳ và trang bị thêm vũ khí. 

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang trình quốc hội thông qua một bộ luật cho phép quân đội Nhật rộng tay hành động hơn như hợp tác với hải quân Hoa Kỳ tuần hành trên Biển đông và bán rẻ 10 tàu tuần duyên cho Phi và 6 tàu cho Việt Nam. Theo ông Narushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách (National Graduate Institute for Policy Studies) ở Tokyo thì đây là hành động chống sự đe dọa của Trung quốc .

Trong khi đó quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ càng lúc càng cải thiện, và Việt Nam đang mua thêm nhiều vũ khí của Liên bang Nga. Phi luật tân thì ký thỏa ước cho phép Hoa Kỳ trở lại căn cứ Subic Bay và vài căn cứ khác và đang chuẩn bị ngân sách cải thiện quân đội. 

Hiện nay, tòa án quốc tế đặt trụ sở ở The Hague (Hà Lan) đang xem xét vụ Phi luật tân kiện Trung quốc để xem - theo văn bản của Luật Biển UNCLOS -  Trung quốc có quyền đòi chủ quyền 12 hải lý và rộng hơn nữa là 200 hải lý đặc quyền kinh tế chung quanh các hòn đảo mới đắp không. Tòa The Hague không có thẩm quyền phán quyết ai làm chủ cụm đá nào, nhưng một phán quyết bất lợi cho Trung quốc đối với quyền xử dụng mặt biển và đáy biển chung quanh cũng làm cho Trung quốc bớt hung hăng. Trung quốc nói không chấp nhận phán quyết của tòa, nhưng gián tiếp theo dõi vụ kiện bằng cách gởi đến tòa các biện minh trạng cần thiết.

Còn chuyện Đài Loan. Đài Loan nằm giữa biển Nhật bản và Biển đông. Tình hình eo biển Đài Loan trong nhiều năm qua êm êm nhờ chính sách hòa hoãn của tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou)  thuộc đảng Trung Hoa  Dân  Quốc (KMT). Nhưng nếu qua cuộc bầu cử tổng thống đầu năm 2016 tới, bà Thái Anh Văn (Tsai Ingwen)  thuộc đảng Dân Chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party) đắc cử tình hình có thể đổi khác. Để Hoa Kỳ yên tâm bà Thái Anh Văn cho biết bà vẫn sẽ giữ lập trường ôn hòa với lục địa,  nhưng Bắc Kinh không tin bà . 

Về hướng Biển đông Trung quốc và Đài Loan có chung lập trường là các hải đảo ở đó thuộc về nước Trung quốc. Năm 1945 khi Nhật đầu hàng, chính quyền Quốc Dân Đảng đã tiếp thu các hòn đảo Nhật chiếm đóng. Nhưng đối với đường 9 đọan, Đài Loan không dứt khoát đòi hỏi như Bắc kinh đang làm, mặc dù đường này do chính quyền KMT vẽ năm 1946 trước khi bị Mao đẩy ra Đài Loan. Hoa Kỳ từng thúc đẩy tổng thống Mạc Anh Cửu công khai lập trường đối với đường 9 đoạn để làm suy yếu đòi hỏi đơn phương của Trung quốc. Và mới đây tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan chỉ đòi chủ quyền 12 hải lý chung quanh các đảo hay cụm đá mình đang làm chủ nhưng không đòi hỏi vùng biển nằm bên trong đường 9 đoạn.

Nhưng ngoại giao và các lời tuyên bố tế nhị của nó không làm thay đổi thực tế của sức mạnh quân sự tại chỗ.  Các chuyên viên quân sự nghĩ rằng: Đài Loan đã mất khả năng tự bảo vệ trong nhiều năm qua trước sự lớn mạnh của Trung quốc; và Nhật bản hiện còn khả năng bảo vệ các hòn đảo đất nhà ở phía nam nhưng sẽ không quá 10 hay 15 năm nữa. Cho nên câu hỏi thiết thực là quốc gia nào có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho Trung quốc để Trung quốc không dám đánh Đài Loan hay Nhật bản? Ai cũng hiểu câu hỏi này dành cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ còn có khả năng và ý chí thay đổi cán cân quân sự trong vùng Tây Thái bình dương không?

20 năm trước khi Trung quốc bắn hỏa tiễn đe dọa sát bờ Đài Loan Hoa Kỳ đã gởi tới eo biển Đài Loan hai hải đội mẫu hạm đặc nhiệm để cảnh cáo Trung quốc. Lần này Hoa Kỳ còn hành động như vậy không? Không một nhà chiến lược nào trả lời dứt khóat là “Có”.

Bàn cờ quân sự tại Tây Thái bình dương luôn luôn thay đổi. Hiện nay Trung quốc đang phát triển một hệ thống “chống xâm nhập” (Hoa Kỳ đặt tên là hệ thống A2/AD – Anti-Access/Area Denial) ngăn không cho các mẫu hạm của Hoa Kỳ đến sát rào phòng thủ thứ nhất của Trung quốc (chạy dọc từ Nhật bản, đến Đài Loan, qua Phi luật tân đến Indonesia). Và Hoa Kỳ đang nghiên cứu vũ khí để chọc thủng hàng rào chống xâm nhập này. Và lúc này là lúc các quốc gia lân cận Trung quốc nghĩ đến hàng rào phòng thủ của riêng mình chống sự xâm nhập của hải quân Trung quốc .

Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc Đại học hải chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) nghĩ rằng Nhật bản cần chú trọng đến hỏa tiễn đặt trên đất liền chống chiến hạm, tàu ngầm, mìn, chiến thuật đánh “du kích biển” bằng tàu nhỏ vận tốc cao có trang bị hỏa tiễn. Hoa Kỳ cũng đang khuyến khích Đài Loan trang bị như vậy. Nhật bản nghĩ rằng sự bảo vệ  Đài Loan liên hệ chặt chẽ với an ninh của Nhật và chuyên viên Andrew Krepinevich thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Ngân sách ở Hoa Thịnh Đốn (Centre for Strategic and Budgetary Assessements) cũng đang khuyến cáo Hoa Kỳ giúp Phi luật tân phương tiện tự bảo vệ các hải đảo đất nhà.

Đây là chiến lược “Nếu không thể đánh gục được kẻ địch thì hãy chận đường đừng cho kẻ địch đi xa”. Nhưng nếu áp dụng chiến lược này trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trong vùng Tây Thái bình dương thì chẳng khác gì nhìn nhận trước sau biển Nhật bản và Biển đông cũng sẽ là ao nhà của Trung quốc và Hoa Kỳ cùng các đồng minh chỉ đang lo sao chận không cho Trung quốc ra khỏi ao nhà. Chiến lược này hạ sách vì chỉ gây ra căng thẳng trong vùng Tây Thái bình dương. Thượng sách là thuyết phục Trung quốc hợp tác với Nhật bản và các nước Đông nam Á để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên, cùng phát triển và cùng hưởng lợi, nhưng luôn luôn cứng rắn nếu Trung quốc hành động ngang ngược.

Trung quốc cũng có những khó khăn nội bộ và cũng phải nhìn trước nhìn sau đối với áp lực và dư luận quốc tế, và gần đây một số chiến lược gia của Trung quốc cũng nghĩ rằng thời gian qua Trung quốc đã quá  nóng vội trong việc gồng mình ra biển nên Trung quốc có vẻ đang kìm lại. Trung quốc nói đã ngưng chương trình nới rộng các mỏm đá Trường Sa. Nhưng có thể đây chỉ để làm nguội tình hình trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình vào tháng Chín tới.  

Vào lúc này, không có chỉ dẫn nào cho thấy sẽ có đụng độ vũ trang trên biển Nhật bản hay Biển đông. Điều đáng lo là các hải đội tuần duyên của hai bên nghênh nhau hằng ngày trên biển đặc biệt giữa Trung quốc và Nhật bản chung quanh đảo Senkaku trong một hoàn cảnh nào đó không kìm được tay súng ./.

                 Trần Bình Nam (phóng dịch)

                 July 29, 2015

                 binhnam@sbcglobal.net

                  www.tranbinhnam.com