Dân số và phát triển kinh tế:
Phòng thí nghiệm khổng lồ của Trung quốc
Trần Bình Nam
Vấn đề dân số thế giới và thực phẩm đã được mục sư Thomas Malthus người Anh
nghiên cứu từ đầu thế kỷ thứ 19. Qua “Luận đề về dân số thế giới” (An Essay on the
Principle of Population) mục sư Malthus
tiên đoán với đà dân số tăng theo cấp số nhân trong khi mức độ sản xuất thực phẩm
tăng theo cấp số cộng sẽ đến một lúc thực phẩm không đủ ăn sẽ sinh ra nạn đói
và bệnh tật tại Âu châu, chưa nói đến những vùng khác trên thế giới. Mục sư
Malthus cảnh cáo nếu không làm gì để chận đứng sự sinh sản thì đại nạn sẽ tới.
Và mục sư Malthus khuyên cá nhân tự chế trong vấn đề sinh lý và khuyên chính phủ ban hành các biện pháp chận
đứng sự sinh sản bừa bãi đối với những gia đình không có khả năng kinh tế.
Khi thuyết được đưa ra, nhiều người
nghi ngờ mục sư Malthus có dụng ý tôn giáo, nhằm khuyến khích con người tiết dục
và sống điều độ. Nhưng trong thế kỷ thứ 19 tại Âu châu có nhiều vùng bị nạn đói
(do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không nhất thiết do nạn nhân mãn) và thuyết
Malthus vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong giới nghiên cứu về quan hệ dân số
và nạn đói.
Tuy nhiên bước qua thế kỷ 20, với đà
tiến bộ của khoa học sự sản xuất thực phẩm đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ của dân
số dù càng ngày càng đông, và thuyết Malthus
trở thành lỗi thời .
Qua thời kỳ lo có cái ăn cho khỏi đói,
cuối thế kỷ thứ 20 thế giới lo đến sự phát triển kinh tế nhằm mang lại cho con
người một đời sống ấm no, ăn ngon, mặc đẹp, sống hạnh phúc trong một xã hội
phát triển. Một vấn đề được đặt ra. Có cần kiểm soát dân số để bảo đảm sự phát
triển kinh tế của một quốc gia không?
Vấn đề này trở thành cấp bách đối với
Trung quốc vào cuối thế kỷ 20. Trung quốc là nước đông dân nhất thế giới lại vừa
trải qua một cuộc nội chiến lâu dài. Sau khi thống nhất được đất nước dưới chế
độ cộng sản Mao Trạch Đông nhận chìm Trung quốc qua hai cuộc cách mạng “nhảy vọt” và “cách mạng văn hóa” làm cho Trung quốc trở thành một đất nước tan
hoang.
Sau khi Mao chết Đặng Tiểu Bình lên cầm
quyền và ông ta quyết đưa Trung quốc vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát
trỉển kinh tế để chen vai thích cánh với các lực lượng kinh tế khác trên thế giới
mà hàng đầu là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Vấn đề trước tiên là kiểm soát dân số, không
phải vì sợ đói mà vì không kiểm soát thì làm ra bao nhiêu ăn bấy nhiêu không
còn gì tích lũy để phát triển.
Để bảo đảm sự thành công của công cuộc
phát triển kinh tế, năm 1980 Trung quốc ban hành chính sách một gia đình chỉ được
phép có một đứa con. Đây là một cuộc thí nghiệm chưa từng có trên thế giới. Chính sách một con này sẽ đưa đến một xã
hội trong đó không có tình cảm anh chị em, không có anh em con cô cậu ruột, anh
em chú bác ruột, không có cô dì, chú bác ruột. Những thứ tình cảm và quan hệ họ
tộc đã bao nhiêu thế hệ làm chất liệu cho những tác phẩm văn chương có gía trị
của xã hội Trung Hoa bỗng nhiên biến mất.
Chính sách ban hành năm 1980 được áp dụng
chặt chẽ tại các đô thị, thôn quê được áp dụng lỏng lẻo hơn tùy các viên chức địa
phương. Các cặp vợ chồng tàn tật được miễn, cũng như các gia đình sống bằng nghề
đánh cá và các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Chính sách một con là một thành công
giúp Trung quốc phát triển kinh tế, nhưng một hệ lụy là dân số Trung quốc càng
lúc càng nhiều người già, khả năng lao động quốc gia giảm sút kéo theo sự trì
trệ của sự phát triển kinh tế.
Do đó – và do nhiều nguyên nhân khác nữa
- hôm Thứ Năm 29 tháng 10, tại Bắc Kinh, khi ban hành kế hoạch kinh tế ngũ niên
(2015-2020) đảng Cộng sản Trung quốc bao gồm trong kế họach một biện pháp cho
phép các cặp vợ chồng được có hai con.
Quyết định này sẽ có ảnh hưởng gì đến
dân số Trung quốc và dân số thế giới và sẽ đóng vai trò gì trong chính sách lớn
của Trung quốc là sẽ vươn lên trở thành một siêu cường trên thế giới trong thế
kỷ này?
Theo thống kê chính phủ Trung quốc cho
biết chính sách một con trong 35 năm qua đã hạn chế dân số ở con số nuôi nổi
1.3 tỉ người, nếu không dân số Trung quốc hiện nay sẽ là 1.7 tỉ người và sẽ
không tránh được nạn đói và Trung quốc đã không thể là một lực lượng kinh tế thứ
nhì thế giới như hiện nay.
Thật ra chính sách cho phép phụ nữ
Trung quốc sinh hai con không có tính đột ngột. Kể từ năm 1980 khi ban hành
chính sách một con, chính phủ Trung quốc đã đối diện với sự ta thán của nhân
dân trước một chính sách biến quan hệ gia tộc thành một quan hệ “không có mặt
người”. Và quan trọng hơn khi đời sống kinh tế khá giả, phụ nữ có nhiều cơ hội
tạo dựng tương lai của chính mình họ bớt tha thiết đến việc sinh con đẻ cái, và
chính sách một con – như đã nói - làm cho xã hội Trung quốc càng lúc càng có
nhiều người cao niên làm giảm lực lượng lao động trong xã hội .
Do đó, mười năm qua, chính phủ Trung
quốc đã nới lỏng chính sách một con, cho phép những gia đình mà vợ chồng đều là
con một được sinh hai con. Đến năm 2013 cho phép những gia đình mà vợ hoặc chồng
là con một được có hai con. Theo thống kê của Ủy ban Kế hoạch hóa Sức khỏe Gia
đình Quốc gia (The national Health and Family Planning Commission) năm 2014 có
16.9 triệu trẻ em ra đời cao hơn năm
2013 470.000 trẻ em, chứng tỏ sự thay đổi chính sách đã có kết quả làm trẻ dân
số. Nhưng chỉ trong một giới hạn nào đó .Vì trớ trêu là khi được phép sinh con
thì phụ nữ Trung quốc lại càng ít muốn đèo bòng. Thống kê cho đến tháng 5 năm
2015 này cho thấy trong số 11 triệu phụ nữ được quyền sinh đứa con thứ hai chỉ
có 1.45 triệu phụ nữ nộp đơn xin sinh con.
Kết quả, lực lượng lao động vẫn không
đủ cho nhu cầu quốc gia. Đó là lý do chính phủ Trung quốc chấm dứt chính sách một
con và cho phép mọi cặp vợ chồng được có hai con. Viện thống kê quốc gia
(National Bureau of Statictics ) của Trung quốc ghi nhận trong năm 2012 lực lượng
lao động giảm 3.45 triệu, năm 2013 giảm
2.44 triệu và năm 2014 giảm 3.71. Cũng theo dự liệu thống kê đến năm 2016, 25% dân số Trung quốc thuộc thành phần lớn tuổi,
sức lao động giảm và khoảng năm 2040 tỉ số người làm việc trên số nghỉ hưu là
1.6 (hiện nay tỉ số này là 5-1).
Các quan sát viên dân số nhận xét rằng
quyết định cho phép sinh hai con của
Trung quốc đã đến hơi trễ để tạo thành một lực lượng lao động cần thiết cho
Trung quốc trong thời gian trước mắt, ngoại trừ Trung quốc áp dụng những chính
sách giúp chỉ số sinh sản (birthrate)
tăng lên trên chỉ số 1.18 hiện nay
(trung bình 100 cặp vợ chồng có 118 con) và quan trọng hơn là tăng khả năng sản
xuất của lực lượng thợ thuyền, thị trường hóa sinh hoạt kinh tế và dễ dãi hóa
chính sách đưa nhân công từ thôn quê vào các khu sản xuất và tăng tuổi nghỉ
hưu. Tại Trung quốc hiện nay đàn ông 60 tuổi nghỉ hưu, phụ nữ 55 tuổi được xem
là quá sớm so với các quốc gia phát triển Tây phương.
Nhưng chuyện tăng lực lượng lao động bằng
cách tăng chỉ số sinh sản giống như chuyện một anh nhà quê cao to mà có một cái
chăn ngắn, kéo đắp đằng đầu thì hở đằng chân. Tăng chỉ số sinh sản thì dân số
tăng lên cũng tạo thành hằng trăm vấn nạn thực phẩm, môi trường, giáo dục, nhà
cửa …
Và vấn đề sẽ là một cuộc thí nghiệm
dài dài đòi hỏi sự điều chỉnh liên tục không bao giờ chấm dứt.
Trần Bình Nam
Nov. 15, 2015
Tài liệu tham khảo:
1.
Google: Thomas Malthus và
“An Essay on the Principle of Population”
2.
“Population growth
revisited” by Julie Makinen - Los Angeles Times, Friday 30, 2015
3.
“Now, the two-child
policy” The Economist – November 7, 2015