“Fracking” để lấy dầu
với động đất và ô nhiễm môi trường
Trần Bình Nam
Fracking là một danh từ mới trong kỹ nghệ khai thác dầu trong đá. Người ta
khám phá ra rằng có nhiều lớp đá trong lòng đất ướp đầy dầu. Các phương pháp kỹ
thuật dùng nước dưới áp lực cao bắn
vỡ đá để lấy dầu gọi là fracking. Tôi
tạm dịch là “bắn đá lấy dầu” hay ngắn
gọn là “bắn đá” khi không có sự hiểu
nhầm nào (1).
Có hai cách để lấy dầu
trong đá. Cả hai cách đều phải khoan giếng vào tận lớp đá tẩm dầu, rồi hoặc
dùng bơm bắn một hồn hợp nước + hóa chất + cát dưới áp lực cao
bắn vỡ đá để rỉ dầu ra rồi bơm lên mặt đất. Phương pháp này là fracking (bắn đá). Phương pháp thứ hai
là bơm một hỗn hợp acít mạnh để hòa
tan đá rồi lọc dầu ra. Phương pháp này gọi là “acít hóa” (acidization).
Hiện nay các nhà khai
thác dầu hỏa đang tìm cách khai thác dầu trong lớp đá ở California nằm trong
vùng Monterey, San Joaquin Valley và Los Angeles. Năm 2011 Cơ quan Liên bang Ứớc tính năng lượng (Federal Energy Information
Administration) ước tính có chừng 15 tỉ thùng barrel (472.5 tỉ gallons) dầu
chứa trong các lớp đá Monterey
(Monterey Shale) rộng 1750 dặm vuông (4536 km2) trải dài từ
Bakersfield đến Fresno.
Nhưng lấy dầu trong đá
của California không đơn gỉan như ở các bang khác, vì các lớp đá ở các bang
khác nằm lớp lang. Khi đã được bắn vỡ
hay acit hóa dầu được hút lên bằng
một miệng giếng thông sâu xuống đất sau đó tẻ ra nhiều ống nằm ngang theo hình
cánh quạt để hút dầu trong một vùng rất rộng.
Lớp đá có dầu ở
California, trái lại, nằm dọc theo đường nứt San Andreas (xem tài liệu số 51: www.tranbinhnam.com
à Chuyện ngắn) nên luôn bị di dời bởi
sự chuyển mình của đường nứt nên rất khó
hút dầu sau khi đá đã được bắn vỡ hay
acit hóa. Ngoài ra các lớp đá có dầu
ở California nằm rất sâu, có nơi đến 3.600 mét nên khai thác rất công phu và
tốn kém. Hiện nay các công ty dầu đang vừa dò dẫm vừa nghiên cứu kỹ thuật và
chưa có một chương trinh khai thác nào quy mô. Nhưng nếu các công ty dầu khai
thác được lớp đá Monterey Shale, họ
sẽ biến California thành một bang vốn được thèm muốn càng được thèm muốn hơn.
Theo một nghiên cứu của đại học USC (University of Southern California) hoàn tất
năm 2013 nếu mọi sự suôn sẻ khả năng sản xuất dầu của bang California tăng lên
7 lần hơn và từ đây đến năm 2020 California sẽ có thêm 2.3 triệu công ăn việc
làm và tổng sản lượng GDP
của California sẽ tăng
14%.
Hiện nay tuy các công ty
dầu mới mò tới, đất đai vùng quận Kern, trung tâm của Monterey Shale bắt đầu
lên giá. Năm 2007 một mẫu đất hoang giá $2 mỹ kim, bây giờ giá $500 mỹ kim! Giá
đất tăng vùn vụt từ năm 2010 khi chính phủ liên bang chính thức công bố khả
năng chứa dầu của lớp đá Monterey.
Ngoài vùng Bakersfield
quen thuộc nằm cạnh xa lộ 99, tại đó các công ty dầu đã bơm dầu từ các túi dầu
cổ điển hơn 100 năm qua, hiện nay các công ty dầu đang mua thêm đất của nông
dân để dò tìm dầu trong đá. Tại thị trấn Shafter (tây bắc Bakersfield 19 miles)
người ta thấy các giếng dò dầu chen lấn với đường sá, nhà cửa, trường học. Sự
kiện này làm cho các nhà môi trường quan tâm và sẽ là một yếu tố trong quyết
định khai thác dầu trong đá của bang California, bên cạnh một quan tâm khác là
các lớp đá có dầu nằm gần đường nứt San Andreas nên các chấn động do bắn đá có thể sinh ra động đất.
Các chuyên viên địa chấn
đã theo dõi hiện tượng này tại các bang đang khai thác dầu trong đá ở Arkansas,
Oklahoma, Pennsylvania và chưa có kết luận gì dứt khoát. Tuy nhiên người ta
không đặt nhiều tin tưởng vào các nghiên cứu địa chất và địa chấn này. Quyền
lợi kinh tế và nhu cầu năng lượng có thể đánh lạc hướng kết luận. Kinh nghiệm
cho thấy các nhà khoa học từng cảnh báo sự nóng lên của khí quyển do chúng ta
đốt nhiên liệu (từ các nhà máy, từ xe hơi …) và thải khí carbon dioxide (CO2) bừa bãi vào khí quyển là nguyên nhân, nhưng vì
nhu cầu trước mắt không ai quan tâm, thậm chí có nhiều chính khách còn bác bỏ
luận cứ đó, cho là nhảm. Hiện nay tác hại của bầu khí quyển nóng đang diễn ra
(hạn hán, bão lụt, lạnh giá cường độ bất thường) không ai còn chối cãi, và
người ta đang tìm cách sửa chữa. Giảm độ thải khí cacbon dioxide vào không khí là quan tâm hàng đầu hiện nay.
Mới đây nhà báo Matt
Morrisson trong một cuộc phỏng vấn hỏi chuyên viên địa chấn Mark Zoback thuộc
đại học Stanford, một đại học tư nổi tiếng ở California: “Ông nghĩ bắn
đá lấy dầu có làm động đất không?”
Ông Zoback trả lời vô
thưởng vô phạt:
“Tài liệu cho thấy bắn đá gần một đường nứt có thể làm thay
đổi chút ít vị trí của các lớp đá và tất nhiên có ảnh hưởng đến động đất, như
đã thấy tại bang Bristish Columbia (Canada). Tốt nhất là tránh đừng “bắn đá” tại những vùng nguy hiểm đó.
Nhưng không phải vì sợ mà không “bắn đá”
để lấy dầu. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cho khai thác theo một nguyên tắc
giới kỹ thuật gọi là “Chấp nhận rủi ro
nhỏ nhất” (ALARP – As low as
reasonably possible). Và đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi làm những
gì có thể làm và không mang chuyện động đất hù dọa để không làm gì cả”.
Ngoài ảnh hưởng có thể
có đối với các lớp đá của vỏ trái đất, các giếng “bắn đá” còn làm ô nhiễm môi trường. Tại Decatur, Texas, năm 2011
gia đình ông bà Robert & Lisa Parr đã kiện công ty dầu hỏa Aruba Petrolium Inc. làm ô nhiễm trang
trại rộng 40 mẫu của gia đình ông. Ông bà Parr và con gái ở đó từ năm 2001 bình
an vô sự. Đến năm 2007 khi công ty Aruba bắt đầu đào giếng bắn đá gần trang trại ông thì bà Lisa và con gái bắt đầu bệnh. Các
bác sĩ xác nhận bệnh do hóa chất BTEX (gồm 4 hóa chất benzene, toluene, ethybenzene
và xylene) trong dầu mới được bơm lên tỏa vào không khí. Hôm 22/4/2014 tòa án
Dallas xử phạt công ty Aruba bồi thường thiệt hại 2.95 triệu mỹ kim cho ông bà
Parr. Công ty Aruba sẽ kháng cáo.
Vụ kiện Parr chống Aruba này (dù chưa ngã ngũ)
là một thắng lợi đầu tiên của người dân thấp cổ bé miệng đối với giới tư bản và
là một đòn bẩy tốt để giới bảo vệ môi sinh, các nhà địa chấn, các cơ sở truyền
thông đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống.
Nhưng nhu cầu bảo vệ vỏ
quả đất, nhu cầu bảo vệ môi trường có thể là chuyện còn xa trước nhu cầu sản
xuất năng lượng để duy trì đời sống văn minh hiện nay. Cũng như trước đây chúng
ta đã tạm gác chuyện bầu khí quyển nóng dần và đang nhận hậu quả hôm nay.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
“chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”
Trần Bình Nam
April
28, 2014
binhnam@ sbcglobal.net
(1) Độc
giả có danh từ khác xin vui lòng trao đổi ý kiến
Tài
liệu tham khảo:
1. A crude energy puzzle:
Julie Cart – Los Angeles Times 7/4/ 2014)
2. Frackologist: Patt
Morrison phỏng vấn nhà địa chấn học Mark Zoback – Los Angeles Times 23/4/2014)
3. Family wins fracking
trial: Jenny Deam - Los Angeles Times 24/4/2014)