Thỏa ước về việc Iran ngưng công trình
chế tạo bom nguyên tử
Lời giới thiệu: Sau 20 tháng thương
thuyết không ngừng nghỉ giữa – một bên là - Hoa Kỳ và 4 nước còn lại trong Hội
đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cộng với Đức (P5 + 1), bên kia là Iran, giữa tháng
7/2015 hai bên đã đạt được một thỏa thuận,
qua đó Iran thuận ngưng chương trình chế tạo bom nguyên tử.
Thời gian mấy tháng trước khi kết
thúc, đảng Cộng hòa và Do thái tích
cực chống đối, cho rằng thỏa ước là một
sự lường gạt của Iran: tạm trì hoãn việc
chế tạo vũ khí nguyên tử, đổi lại sự tháo bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế
tài chánh của P5 và Cộng đồng Âu châu đang làm cho nền kinh tế của Iran khắc
khoải. Ông chủ tịch Hạ nghị viện John Boehner (Cộng hòa) trước áp lực của các
Dân biểu cực hữu đã đi một bước xa đến độ mời ông thủ tướng Do Thái Netanyahu đến
phát biểu chống đối sự thương thuyết của tổng thống Obama với Iran trước lưỡng
viện quốc hội, một hành động chưa từng có trong
lịch sử quan hệ giữa Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ. Nhưng tổng thống
Obama và ông Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry kiên quyết đi đến cùng để đạt thỏa
ước.
Vậy Thỏa ước nói gì? Sau đây là phân
tích trong mục bình luận của tuần báo THE WEEK
số đề ngày 9 tháng 10 dưới đề mục: The
Iran Deal.
** Trần Bình Nam** phóng dịch
& phân tích
--:o0o:--
Nội dung thỏa ước:
Thỏa ước Iran gọi là Chương trình Hành động Chung (Joint Comprehensive Plan of Action ), có
giá trị hiệu lực trong 15 năm. Qua đó, Iran đồng ý ngưng các họat động sản xuất
vũ khí nguyên tử và chịu để chuyên viên quốc tế thanh tra. Đổi lại Liên hiệp quốc
gỡ bỏ dần chương trình phong tỏa kinh tế Iran. Thỏa thuận này đạt được sau 20
tháng dàn xếp trao đổi giữa một bên là Iran, bên kia là Hoa Kỳ và 5 quốc gia
khác trên thế giới. Trong thời gian 15
năm, Iran phải hủy bỏ 97% lượng Uranium đã được tinh luyện (TBN: Uranium tinh
luyện là Uranium đặc chế bằng máy li tâm để lấy ra các phân tử Uranium nặng
dùng để làm bom nguyên tử) ; Iran phải bỏ vào kho 2/3 trong số 20.000 máy ly
tâm đang được dùng để tinh luyện Uranium; Iran thuận điều chỉnh các lò nguyên tử
chạy bằng nước nặng (TBN: heavy water , tên hóa học là deuterium oxyde, công thức hóa học D2O,
dùng để kiếm soát phản ứng nguyên tử trong lò nguyên tử) để không còn khả năng
sản xuất loại plutonium đặc biệt có
thể dùng làm nhân bom nguyên tử; sau cùng thuận để cho cơ quan Nguyên tử năng
quốc tế thanh tra các trung tâm nguyên tử của Iran trong một số điều kiện nào
đó. Tất cả các biện pháp này nhằm kéo dài thời gian Iran - nếu quyết định chế
bom nguyên tử - từ 3 tháng như khả năng hiện nay đến 12 tháng. Mười hai tháng
là thời gian vừa đủ để Hoa Kỳ và Do thái hành động quân sự ngăn chận nếu cần.
Các nghị sĩ và Dân biểu Cộng hòa và Do thái chống thỏa ước vì cho rằng không có
gì bảo đảm Iran sẽ không gạt Hoa Kỳ và đồng minh để lén lút chế bom nguyên tử.
Khi phanh phui ra thì đã trễ. Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, không có thỏa ước
này thì Iran sẽ chế tạo bom nguyên tử ngay và cách duy nhất để chận là oanh tạc
quy mô và chiếm đóng Iran, có nghĩa là chiến tranh với những hậu quả không lường
trước được. Hôm 5/8/2015, tổng thống
Obama nói với các Thượng nghị sĩ và dân biểu tại Quốc hội rằng: “Lương
tâm không cho phép chúng ta chọn chiến tranh khi chưa thử dùng con đường ngoại
giao.” (Nguyên văn: How can we in good conscience justify war, before we’ve
tested a diplomatic agreement”)
Khi nào thỏa ước bắt đầu có hiệu lực?
Ngày 19/10/2015 là ngày có hiệu lực trên nguyên tắc, nhưng chỉ
thực sự có hiệu lực khi Cơ quan Nguyên tử
năng Quốc tế (International Atomic Energy Agency –IAEA) chứng nhận rằng
Iran đã bắt đầu thi hành những đòi hỏi của thỏa ước. Các cơ sở trong dây chuyền sản xuất vũ khí của
Iran từ mỏ quặng Uranium đến các trung
tâm lọc Uranium bằng máy ly tâm sẽ được 150 chuyên viên của IAEA, 247 videos và
các sensors tối tân nhất theo dõi. Với các phương tiện này nếu Iran “gian”, sẽ được phát giác ngay.
Các thanh tra của IAEA có thể thanh tra bất ngờ bất cứ nơi nào
trong nước Iran không?
Không!
Và đây là điểm các thành phần chống thỏa ước than phiền nhất. Các chuyên viên kiểm soát chỉ có quyền bất ngờ
đến thanh tra các cơ sở trong dây chuyền sản xuất hiện tại của Iran. Mưốn thanh
tra các địa điểm nghi ngờ khác, nhất là các cơ sở quân sự các chuyên viên phải
được chính quyền Iran chấp thuận trước. Nếu Iran không thuận, Iran có 24 ngày để
thuyết phục IAEA và một ủy ban gồm 7 thành viên (gồm đại diện 5 nước trong Hội
đồng Bảo an, Liên hiệp Âu châu và Iran)
rằng sự từ chối của họ là hợp lý. Nếu đa số trong Ủy ban biểu quyết
không đồng ý với sự từ chối của chính phủ Iran và Iran nhất định không thay đổi
thái độ thì các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran (ngưng khi thi hành thỏa ước)
sẽ được áp dụng trở lại. Thành phần chống thỏa ước cho rằng khi bị nghi, Iran
có thể gạt bằng cách không thuận cho thanh tra, và trong thời gian 24 ngày dọn
dẹp “sạch sẽ” nơi bị nghi ngờ rồi sau đó chịu cho các chuyên viên đến thanh
tra. Phía ủng hộ thỏa ước nhìn nhận rằng đây là một nhược điểm của thỏa ước,
nhưng chỉ ra rằng: thứ nhất làm sạch sẽ dấu
vết của phóng xạ không phải là dễ làm trong vòng 24 ngày, thứ hai là xưa
nay không có một nước nào để nước ngoài có thể đến dòm ngó bất cứ nơi nào trên
đất nước mình ngoại trừ nước đó bị chiếm đóng .
Hoa Kỳ và đồng minh có khả năng áp đặt lại các biện pháp trừng
phạt kinh tế khi Iran gian lận không?
Có! Như đã nói, khi Iran gian lận và
biện minh chủ quyền quốc gia không cho các chuyên viên của IAEA đến thanh tra một
nơi bị nghi ngờ và Ủy ban 7 thành phần bác bỏ sự từ chối của Iran là không
chính đáng, và Iran không thay đổi thái độ. Phía đồng minh lúc nào cũng có phiếu
đa số để bác bỏ dù Liên bang Nga và Trung quốc bênh Iran (TBN: Hoa Kỳ bảo đảm
có 4 phiếu: Mỹ, Anh, Pháp, Cộng đồng Âu châu, chống 3 phiếu: Iran. Nga, và Trung
quốc)
Vì vậy nếu Iran gian lận Iran sẽ lại bị
trừng phạt kinh tế .
Iran có tính toán gian lận không ?
Trong các thỏa ước quốc tế ai cũng muốn
gian lận nếu có lợi cho mình và tin rằng không bị “bắt tại trận”. Các nước
trong khối Hồi giáo nổi tiếng về gian lận cho nên nghi ngờ Iran gian lận là hữu
lý. Đến năm 2003 tình báo Hoa Kỳ mới biết chắc Iran lén lút nghiên cứu và thiết
đặt hệ thống máy móc để sản xuất vũ khí nguyên tử. Nhưng mãi đến năm 2006 khi
IAEA khám phá Iran vi phạm thỏa ước quốc tế về sự lan tràn vũ khí nguyên tử
(Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT), các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran
mới bắt đầu được áp đặt. Các biện pháp kinh tế tăng dần sau khi Iran không chịu
cho thanh tra trực tiếp khu quân sự Pachin nơi bị nghi có các cơ sở sản xuất vũ
khí nguyên tử. Các biện pháp kinh tế đã đè nặng lên nền kinh tế của Iran đến ngộp
thở. Và đó là lý do Iran dùng dằng mãi phải chịu ký Thỏa ước để trước mắt ngoài
việc giải tỏa mậu dịch thu mỗi năm mấy trăm tỉ mỹ kim, còn tăng lượng sản xuất
dầu thô lên gấp đôi thu về ngay 150 tỉ mỹ kim. Nếu gian lận để bị tái áp đặt trừng
phạt kinh tế, Iran lại trở về số không.
Đó là điều Iran phải “vỗ trán 7 lần” khi quyết định gian lận.
Sau khi thỏa ước này hết hạn, cái gì có thể xẩy ra?
Khó biết được. Có thể có một thỏa ước
khác, có thể không có gì cả và Iran tiếp tục công việc chế bom và sẵn sàng
đương đầu các biện pháp quân sự của Hoa Kỳ và Do thái. Tổng thống Obama hy vọng
rằng sau 15 năm bối cảnh chính trị thế giới thay đổi, dân tình Iran thay đổi,
các nhà lãnh đạo Iran bớt quá khích hơn và Iran sẽ chọn “hội nhập” với cộng đồng
thế giới (Tây phương) hơn là bị cô lập.
Tính toán lâu dài của Iran?
(TBN)
Nếu nghĩ rằng Iran sẽ vĩnh viễn bỏ giấc mộng nguyên tử thì không thực tế. Iran muốn trở thành quốc
gia lãnh đạo khối Hồi giáo và sống bên cạnh Do thái có cả một kho bom nguyên tử
hằng trăm trái (dù không chính thức khai ra) đe dọa mình thì một nhà lãnh đạo
Iran dù quá khích hay ôn hòa cũng không có chọn lựa nào khác là sắm bom nguyên
tử để làm dù che. Đó là một chính sách hợp lòng dân (Iran). Tôi nghĩ tổng thống
Obama và ông bộ trưởng John Kerry hiểu rõ điều này và tìm cách đạt thỏa ước với
Iran để trì hoãn. Nếu không có thỏa ước thì con đường trước mắt là chiến tranh
với bao nhiêu hệ lụy cho hòa bình thế giới. Trì hoãn nó lại vẫn tốt hơn. Ông
Gary Samore, nguyên chủ tịch các tổ chức chống Iran có bom nguyên tử (United
Against Nuclear Iran) nói “được nửa ổ bánh mì còn hơn không có gì cả”.
Trước
đây khi Ấn độ và Pakistan có bom nguyên tử thế giới lên cơn sốt tưởng chừng như
bầu trời sắp sụp đổ. Nhưng rồi trời chẳng sập, Ấn độ và Pakistan trở nên tự chế
và có trách nhiệm hơn. Iran là một nước Hồi giáo ôn hòa hơn Pakistan và có khả
năng ổn định lâu dài hơn Pakistan, cho nên nếu mai đây Iran có bom nguyên tử
thì thế giới (và Do Thái) cũng không bị đe dọa gì hơn.
Trái
lại khi Iran có bom nguyên tử, quan hệ giữa Tây phương và Hồi giáo nói chung,
giữa Iran và Do thái nói riêng cân đối hơn. Và chỉ trong cân đối người ta mới dễ
nói chuyện với nhau. Hòa bình thế giới chỉ được xây dựng trên sự công bình và
cân đối, không xây dựng trên sự chông chênh khối này bắt nạt và khinh bỉ khối
kia. Và đây có thể là cơ hội tốt để tái cấu trúc trật tự thế giới./.
Trần Bình Nam
9 Oct. 2015