Quyền được
chết theo ý muốn
của bệnh
nhân
Trần Bình Nam
(Tài liệu tham khảo: Easing Death 20/10/2012 – Final Certainty 27/6/2015 – The
Right to Die 27/6/2015 – tuần báo The
Economist. London)
***
Sống
và chết, nhất là chết là một vấn đề các tôn giáo đều quan tâm. Mỗi tôn giáo có
một giáo điều khác nhau. Phật giáo nói: sinh, lão, bệnh, tử, nghĩa đơn giản là
đã có sinh thì có tử. Nếu không chết trẻ vì một lý do nào đó thì nói chung ai
cũng sẽ già, bệnh hoạn rồi chết. Công giáo và Tin lành tin rằng Chúa đã cho cái
Sống thì chỉ Chúa có quyền quyết định về cái Chết. Hàng chục thế kỷ trước sự chết
cứ theo lẽ tự nhiên như thế không ai đặt điều thắc mắc, nếu bệnh kéo dài ngày
gây đau đớn cho người bệnh thì con người có quyền can thiệp không bởi lẽ y khoa
chưa tiến bộ, có muốn giúp đỡ người sống đau đớn thể xác và tâm thần chấm dứt đời
sống cũng không có cách nào thực hiện một cách nhân đạo.
Nhưng
khi y khoa tiến bộ, người ta có cách chấm dứt sự sống một cách khoa học và nhân
đạo thì một câu hỏi rất tự nhiên được đặt ra. Có nên để cho người bệnh khổ đau
thể xác mà trước sau cũng sẽ chết hay giúp cho người bệnh chết một cách thoải
mái không?
Cho
đến nay chỉ có vài nước Âu châu, như Hà Lan, Bĩ, Thụy Sĩ và 3 tiểu bang Hoa Kỳ
(Oregon, Washington, Vermont) có luật cho bệnh nhân được quyền chọn cái chết
cho mình bằng sự giúp đỡ của y khoa .
Tuy nhiên vấn đề đang là thời thượng và hiện có 20 bang Hoa kỳ (trong đó có
bang California) và nhiều nước khác trên thế giới như Canada, Đức, Úc, Tân Tây
Lan, Anh đang đặt vấn đề thành luật.
Những
người chống luật chọn chết cho rằng
luật ấy cướp quyền của thượng đế và nguy hiểm, vì có thể bị lạm dụng bởi người
còn sống vì quyền lợi và làm cho con người xuống cấp vì thái độ chạy trốn. Mặt khác luật cho phép chọn chết làm chậm đà tiến
bộ y khoa trong lĩnh vực chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh .
Tuy
nhiên thống kê của bang Oregon, bang có luật chọn chết từ năm 1997 cho thấy đa
số người chọn chết đều có trình độ học vấn cao, có bảo hiểm tốt và có phương tiện
vật chất hơn người khác để được săn sóc chu đáo nếu họ muốn. Họ chọn chết để khỏi
đau đớn thể xác hay tâm thần và tránh “bệ rạc” vào cuối cuộc đời. Cho đến nay
trong số 1327 bệnh nhân ở Oregon chọn chết được bác sĩ cho thuốc để tự uống kết
liễu đời mình chỉ có 2/3 dùng. Một phần
ba còn lại ngần ngại chấp nhận đau thể xác. Thống kê đó chứng tỏ phương pháp chọn
chết theo luật “Death with Dignity Act” của Oregon rộng rãi và nhân đạo. Theo
luật
bác sĩ có quyền viết toa
thuốc chấm dứt sự sống nếu có ít nhất hai bác sĩ khám nghiệm và đồng ý bệnh
nhân chỉ sống được tối đa 6 tháng. Và quan trọng nhất là bệnh nhân quyết định
muốn chết khi tâm thần còn sáng suốt. Và có một thời gian chờ đợi 15 ngày trước
khi thực hiện. Trong thời gian này, các đối tượng liên hệ là bệnh nhân và 2 bác
sĩ khám nghiệm có quyền thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào.Tuy nhiên luật “Death
with Dignity Act” của Oregon có một số hạn chế và được xem là chưa tiến bộ vì
không cho người đau thể xác, người có bệnh tâm thần còn có thể sống được dài
ngày hay trẻ em vị thành niên quyền chọn chết.
Nói
chung khuynh hướng trên thế giới về vấn đề “chọn chết” là thuận lợi . Bảng thăm
dò của tờ “The Economist” kết thúc tháng 6 năm nay cho thấy: Trừ Nga và Ba Lan,
đa số các nước Tây phương, vài nước Á châu và Hoa Kỳ đều chấp thuận. Và trong 2
phương cách chấm dứt đời sống bằng cách tự
dùng thuốc hay để cho bác sĩ chích thì đa số đều nghiêng về giải pháp bác sĩ chích.
Cuộc
tranh đấu đòi “quyền được chết” tại bang California là một cuộc tranh đấu nhiều
màu sắc. Nhiều nỗ lực làm luật cho phép chọn chết trước đây đều thất bại. Năm
2014 cô Brittany Maynard 29 tuổi cư dân California có một sáng kiến. Cô bị ung
thư não bộ, cô quyết định dọn lên bang Oregon trước khi bị mù hay tê liệt cơ thể
để được chết.
Trước
khi chết, cô Maynard ghi vào CD một lời kêu gọi nghị viện California hãy mau
chóng thông qua luật được quyền chọn chết. Nghị viện California đáp ứng lời kêu
gọi của cô Maynard. Ngày 4 tháng 6 vừa
qua Thượng viện tiểu bang thông qua luật “được quyền chọn chết” phỏng theo luật
“Death with Dignity Act” của Oregon với 23-14 phiếu, và đang chờ Hạ viện bang
biểu quyết và thống đốc Jerry Brown ký ban hành . Có hai trở ngại là thủ tục
thành luật phải hoàn tất trước ngày 11 tháng 9 năm nay, nếu không thủ tục lập
pháp phải bắt đầu lại từ đầu và cộng đồng Công giáo đang mạnh mẽ vận động hành
lang tại Sacramento ngăn cản. Tuy nhiên người ta tin tưởng lời kêu gọi của cô
Maynard sẽ có đủ sức mạnh vượt qua các
trở lực. Thống đốc Jerry Brown sẽ ký, mặc dù ông là một tín đồ Công giáo và trước
khi bước vào chính trường đã có ý định vào nhà thờ đi tu. Trước khi chết, cô
Maynard đã điện thoại thuyết phục ông Brown .
Tuy
khuynh hướng đòi quyền được chọn cái chết đang lên mạnh trên thế giới, con đường
thành luật còn lắm trở ngại. Năm 2012 Nghị viện bang Massachusetts sít sao bác
bỏ một dự án luật như vậy, và nghị viện Scotland vừa biểu quyết 82-36 chống.
Về
bệnh trí óc như Alzheimer sự chọn chết bằng luật càng khó thông qua hơn vì
ngoài sự mất trí nhớ bệnh nhân không có dấu hiệu đau đớn thể xác. Mới đây, năm
2011 nhà văn Terry Pratchett bị bệnh Alzheimer. Trước khi đi Thụy sĩ để được chết
ông để lại một tài liệu đầy xúc động kêu gọi thế giới thông cảm nỗi đau của những người như ông.
Thụy
sĩ là nước đầu tiên từ năm 1942 đã có luật cho phép giúp người muốn chết được
chết với những điều kiện rộng rãi. Ấn độ và Ireland là hai quốc gia bảo thủ nhất.
Cho đến năm 2013 Ấn Độ còn luật bỏ tù người tự vận hụt, và Ireland đến năm 1993
mới bỏ luật này.
Tại
Thụy Sĩ có hai lọai cơ sở giúp người muốn chết. EXIT không nhận người nước ngoài, và cơ sở Dignitas nhận. Từ ngày mở cửa (1998) đến nay Dignitas
nhận 1700 người đến từ 40 quốc gia trên thế giới. Trong số này có hai trường hợp
của hai người Anh đáng ghi nhận. Năm 2007
Dan James bị tai nạn tê liệt toàn thân khi chơi rugby . Năm sau bố mẹ đưa ông đến Dignitas để chết. Trở về, hai ông bà bị đưa ra tòa về
tội “giúp người khác chết” nhưng được tòa tha bổng. Và mới đây ông Jefferey
Spector , bị hỏng cột sống không chữa trị được đã tự đi đến Dignitas. Trước khi
chết, ông nói ông quyết định tự đi trước khi cột sống thoái hóa đến độ không
cho phép ông đi để thân nhân khỏi bị rắc rối với pháp luật như thân nhân của
Dan James.
Khi
nhận một bệnh nhân (đến để chết) cơ sở Dignitas bắt đầu giúp hướng dẫn, cung cấp
thuốc men, khuyên lơn và làm những gì cần để thuyết phục bệnh nhân đổi ý và muốn
sống trước. Hết phương kế thì mới giúp bệnh nhân chết một cách thoải mái. Tại
Thụy Sĩ dưới 1% số người qua đời đã chết bằng sự giúp đỡ của các cơ sở như EXIT
hay Dignitas. Số người chết bằng tự vận là 2%.
Luật
“Death with Dignity Act” của Oregon có lẽ là luật cân đối nhất, không quá dễ
dãi, cũng không quá khắt khe nên đang được các bang khác ở Hoa Kỳ và các nước
trên thế giới phỏng theo. Từ năm 1997 khi luật được áp dụng cho tới nay bác sĩ
cho thuốc theo luật 1,327 trường hợp, nhưng cuối cùng chỉ 2/3 thực hiện và chết,
còn 1/3 do dự không uống .
Khi
luật Oregon mới ban hành người ta ngại rằng những thành phần nghèo trong xã hội,
không có bảo hiểm tốt, sẽ tìm con đường chết cho khỏe. Nhưng thực tế cho thấy ở
Oregon đa số người tìm cách chết theo luật định đều là người khá giả, có bảo hiểm
tốt, có trình độ học vấn cao, hoặc đang được các cơ sở y tế có tiêu chuẩn cao
lo săn sóc những ngày cuối (hospice). Đa số nói họ chọn cái chết để tránh đau đớn
thể xác và trong trường hợp bệnh không hành thì còn để tránh thân thể bệ rạc và
khỏi sống một đời sống không còn thú vị gì nữa.
Có
một số người tin rằng nếu có cơ sở săn
sóc người cuối đời (hospicce care) tốt thì số người muốn chết sẽ giảm đi. Nhưng
thống kê tại Anh từ các trung tâm “hospice care” được xem là đầy đủ phương tiện
nhất cho thấy tỉ số người muốn chết cao hơn tỉ số người muốn chết tại các bệnh
viện .
Tháng
9 năm nay Quốc hội Anh sẽ thảo luận và biểu quyết luật cho phép chết phỏng theo
luật bang Oregon. Luật sẽ cho người sắp chết chọn thời điểm chết nhưng không
cho các bệnh nhân bị bệnh nan y hết cách chữa trị nhưng vẫn sống lây lất năm
này qua năm khác được chết. Bà Debbie Purdy, người Anh, bị bệnh tê cóng bắp thịt
(multiple sclerosis) có thể còn sống lâu nên (không chờ luật ban hành) bà quyết
định không ăn để chết để tránh cho chồng bị luật pháp hỏi tội nếu phải đưa bà
đi Thụy sĩ để chết. Bà để lại một lá thư tuyệt mệnh kêu gọi quốc hội Anh thông
qua một luật rộng rãi hơn bao gồm quyền được chết của những bệnh nhân hết
phương chữa trị nhưng vẫn sống được .
Luật
đang thảo luận tại Canada bao gồm trường hợp như bà Purdy yêu cầu, nhưng thủ tục
lập pháp phức tạp tại Canada nên còn phải chờ.
Các
bộ luật cho phép được chết tại Hà Lan và Bĩ rộng rãi hơn luật Oregon. Bác sĩ có
quyền chích thuốc vào mạch máu cho bệnh nhân thay vì buộc bệnh nhân tự uống thuốc.
Và tại Thụy Sĩ, trẻ em trên 12 tuổi nếu được cha mẹ đồng ý cũng được hưởng quyền
này. Tại Hà Lan 3% số người chết là do
bác sĩ giúp, một tỉ số cao nhất thế giới. Tại Bĩ luật còn cao hơn luật Thụy Sĩ,
không giới hạn tuổi đối với trẻ em.
Hà
Lan và Bĩ là hai quốc gia có cơ sở săn sóc và chống đau (thể xác) và chống khổ
(tâm thần) do bệnh hành rất tân tiến. Người
ta cũng ghi nhận rằng tại Oregon từ khi
có luật “Death with Dignity Act” các cơ sở này càng được cải tiến hơn.
Quá
trình hình thành luật giúp người được chết tại Hà Lan là một kinh nghiệm cho thế
giới. Năm 1971, một bác sĩ quyết định giúp Mẹ chết an lành theo sở nguyện của
bà. Tòa phạt vị bác sĩ này một hình phạt tượng trưng cốt chỉ để hợp với luật.
Trường hợp này gợi sáng kiến thành lập “Hội Những Người Muốn Chết Không Đau”,
giúp giải quyết từng trường hợp với toà án.
Qua các án lệ Hội được phép chính thức thành lập, và sau cùng quốc hội
biến thành luât.
Đa
số các trường hợp chọn chết ở Hà Lan là ung thư và bệnh tim. Tỉ số bệnh
Alzheimer và tâm thần ít nhưng lên dần. Năm 2002 khi Hà Lan chính thức có luật không
có trường hợp nào, năm 2013 có 42 trường hợp.
Tại
Bĩ cũng như tại Hà Lan trong 15 năm qua bác sĩ hay dùng cách cho thuốc an thần
để bệnh nhân ngủ yên thoải mái và chết dần. Tại Anh (chưa có luật) các bác sĩ cũng dùng phương thuốc này với sự
mặc nhiên đồng ý của thân nhân người bệnh.
Nói
chung các Tổ chức Y tế, các Hội bác sĩ
ít khi công khai ủng hộ các Bộ luật cho phép chết vì sự ràng buộc bởi lời
thề của Hippocrates, người Hy Lạp, cha đẻ của y khoa Tây phương viết 2500 năm
trước “không viết phái thuốc độc cho ai và cũng không
khuyên ai làm vậy” (Nor shall any man’s entreaty prevail upon me to
administer poison to anyone; neither will I counsel any man to do so) và hiện
nay một số trường y khoa trên thế giới còn bó buộc sinh viên thề trước khi nhận
văn bằng bác sĩ y khoa.
Trước
cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện California tháng 6 vừa qua tại California, Hội Y
tế quốc gia Hoa Kỳ (American Medical Association) chọn thái độ trung lập. Và
theo thăm dò của mạng điện tử Medscape năm 2014 thì lần đầu tiên mạng ghi nhận
hơn 50% bác sĩ được hỏi ý kiến đồng ý; Hội Y tế Anh còn chống nhưng ý kiến của
dân chúng Anh muốn Hội nên thay đổi ý kiến.
Trong
cuộc tranh luận về quyền được chết có một điểm cần làm rõ. Có luật còn hơn không. Và những ai vì lý do tôn giáo không muốn tự
kết liễu đời mình dù đau đớn thì đó là quyền của họ, nhưng không có lý do gì để
ngăn cản những người không còn hy vọng gì và đang đau khổ (thể xác hay tâm thần)
không được chết.
Một
người đã hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc nhân đạo này là bác sĩ Jack
Kevorkian, chuyên về bệnh lý. Bác sĩ Kevorkian sinh năm 1928 tại bang Michigan.
Ông chuyên giúp người tự vận nếu vì bệnh không còn muốn sống mà ông cho là một
việc làm nhân đạo tối thượng và cao quý mà nghề bác sĩ cho phép ông làm. Ông từng
giúp ít nhất 130 bệnh nhân cuối đời được chết thoải mái và ra tòa ít nhất 3 lần.
Trước sau tòa tiểu bang Michigan cũng thông cảm và ông chưa bao giờ bị phạt tù
cho đến năm 1998 khi ông công khai mời đài truyền hình CBS thu hình và lên
chương trình “60 minutes” một khúc phim ông đang tự tay chích thuốc chấm dứt đời
sống của ông Thomas Youk bị bệnh Lou Gehrig yêu cầu. Ông bị truy tố và năm 1999
tòa xử ông 25 năm tù về tội cố ý giết người. Năm 2007 ông được phóng thích vì
tác phong tốt khi bị cầm tù. Ông qua đời năm 2011 tại bệnh viện Royal Oak, bang
Michigan, thọ 83 tuổi./.
Trần Bình Nam
August 15, 2015