Túc cầu & nước Mỹ
Trần Bình Nam
(theo Los Angeles Times & Google)
Trận đấu để vào tứ kết
giữa Hoa Kỳ và Bỉ hôm Thứ Ba 1/7 đã diễn ra tại thành phố Salvador, Ba Tây một
cách hào hứng. Đội Hoa Kỳ dưới “cơ” nhưng nhờ
Tim Howard giữ thành xuất sắc nên Hoa Kỳ chỉ thua 2-1. Và thua vào 30
phút đá thêm, sau khi giữ hòa trong 90 phút quy ước. Tim Howard được xem là cầu
thủ xuất sắc nhất trong ngày với 16 lần chận banh đội Bỉ đá chính xác vào khung
thành .
Với sự bại trận này Hoa Kỳ không còn đá trận nào trong
cuộc tranh tài World Cup 2014 nữa, nhưng 4 trận: Hoa Kỳ - Ghana (16/6), Hoa Kỳ - Bồ Đào Nha
(22/6), Hoa Kỳ - Đức (26/6) và trận Hoa Kỳ- Bỉ (1/7) đã là những xúc tác quan
trọng cho phong trào túc cầu tại Hoa Kỳ .
Túc cầu là danh từ “chữ” - Túc là chân, Cầu là quả bóng hình cầu. Người Việt miền Nam gọi đơn giản là đá
banh, người miền Bắc gọi là bóng đá. Văn hoa người ta gọi là túc cầu, một môn
thể thao dùng sự khéo léo của đôi bàn chân, tuyệt đối không được dùng tay rất
được ưa chuộng trên thế giới. Cả thế giới gọi túc cầu là football, riêng người Mỹ gọi là soccer
. Ưa chuộng nhất là Nam Mỹ sau đó Âu châu và Á châu. Người Việt Nam cũng
thuộc hạng nghiền túc cầu nhất nhì thế giới. Riêng nước Mỹ túc cầu gần đây còn
mới mẻ, vì người Mỹ không thích môn thể thao chậm, tranh nhau mãi một quả banh
mới có một cú sút vào khung thành.
Nhưng qua không khí của
cuộc tranh tài túc cầu thế giới hiện nay, gọi là Worls Cup 2014 do hội túc cầu
quốc tế (Fédération Internationale de Football Association
– FIFA), một hội tư nhân bất vụ lợi không thuộc một chính phủ nào tổ chức hằng
4 năm một lần, và năm nay tổ chức tại Ba Tây (Brazil) dường như
dân hâm mộ thể thao tại Hoa Kỳ bắt đầu
chú ý. Hoa Kỳ là một trong 32 nước được chọn tranh tài.
Qua ba trận tranh tài:
ngày 16/6 với Ghana, Hoa Kỳ thắng 2-1, ngày 22/6 với Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ hòa
2-2. Và trận thứ ba ngày 26/6 với Đức, Hoa Kỳ thua 0-1. Theo công thức tính điểm
của FIFA, Hoa Kỳ là một trong 16 nước được tranh tài để vào vòng tứ kết. Hoa kỳ
tranh tài với Bỉ ngày Thứ Ba 1 /7/2014 và bị loại khỏi vòng tứ kết với tỉ số
1-2.
Số người Mỹ xem trực tiếp truyền hình các trận đấu, lần đầu tiên
vượt trội số người xem các trận đấu chung kết bóng rổ (NBA Finals) và chung kết World Series của bóng chày (baseball). Xem đông nhờ số
người Mỹ gốc Nam Mỹ, Á châu, và thanh niên nam nữ Mỹ từng quen thuộc với môn thể
thao này tại các trường Trung hoặc chơi trong các hội soccer đá tranh tài với
nhau mỗi chiều Thứ Bảy. Theo Google, có 18.22 triệu người Mỹ xem trận đấu giữa
Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha hôm Chủ Nhật 22/6 qua đài truyền hình ESPN. Trong khi trận
chung kết Basketball mới nhất có 15.5 triệu người xem và trận chung kết
Baseball có chừng 15 triệu người xem, và trận chung kết Khúc Côn Cầu (National Hockey League - NHL) có 4.8 triệu người xem.
Số người xem World Cup chỉ còn kém số người xem các trận chung kết của Dã Cầu (Super Bowl)
Mọi chỉ dẫn đều cho thấy
cơn sốt World Cup đã tràn tới Hoa Kỳ. Và có nhiều lý do. Thứ nhất, theo Scott
Gulielmino – phó giám đốc chương trình của đài ESPN – do tỉ số người Mỹ gốc Nam
Mỹ, nhất là tỉ số người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ thay đổi. Theo sở Thống kê Dân Số
(U.S. Census Bureau) trong 20 năm qua tỉ số người Mỹ gốc Nam Mỹ tăng 17%
Lý do khác là trong mấy
thập niên qua thanh niên nam nữ Hoa Kỳ bắt đầu làm quen với túc cầu ở các sân
trường Trung học. Theo Todd Roby, phát ngôn nhân của tổ chức Frisco ở Texas
trong thập niên 1970 có 100.000 đoàn viên ghi danh trong các hội Túc Cầu Dành
Cho Người Trẻ Tuổi (U.S. Youth Soccer Organization), thì nay có hơn 3 triệu
đoàn viên.
Những đoàn viên tham
gia cách đây 20 năm, bây giờ trở thành
huấn luyện viên túc cầu và con cháu đa số biết chơi túc cầu, như một
truyền thống gia đình giống như Football và Baseball trước đây.
Năm nay có một yếu tố
thuận lợi cho phong trào Túc Cầu tại Mỹ. World Cup diễn ra ở Brazil nằm trên
cùng hoặc xê xích chỉ một múi giờ với Bắc Mỹ. Các trận đấu diễn ra tại Brazil
ban ngày thì ở Hoa Kỳ người hâm mộ có thể xem mà không cần thức đêm thức hôm.
Năm 2010 World Cup tranh tài ở Nam Phi cách Mỹ 6 giờ, và năm 2002 World Cup ở
Nam Hàn cách 11 giờ, nên số người xem rất giới hạn .
Ngoài ra đài ESPN, phát
hình tranh tài của World Cup từ năm 1980, thấy khuynh hướng đối với túc cầu tại
Hoa Kỳ thay đổi nên đã cho thực hiện một chương trình 6 phần (six-part series)
nói về sự chuẩn bị của đoàn túc cầu Hoa Kỳ choWorld Cup 2014.
Kỹ thuật truyền hình
cũng tiếp tay cho phong trào túc cầu. Màn ảnh lớn, hình rõ (High-Definition - HD) có thể bao trùm sân túc cầu rộng. Và máy thu
hình tối tân có thể theo dõi các chi tiết của cuộc tranh tài luôn luôn diễn biến
bất ngờ, nhất là các diễn biến diễn ra trước một cú sút vào khung thành. Theo
Leichtman Research Group, năm năm trước 33% máy truyền hình trong các gia đình
Hoa Kỳ có HD, thì bây giờ 77% có HD .
Tuy nhiên còn có nhiều
yếu tố không thuận lợi ngăn cản phong trào túc cầu thành một phong trào quần
chúng tại Hoa Kỳ. Có thể sau World Cup 2014 này túc cầu lại trở thành một môn
thể thao thầm lặng. Cũng như phong trào đã lên với sự ra đời của Liên Hội Túc Cầu
(Major League Soccer) sau khi Hoa Kỳ được ủy thác tổ chức World Cup năm 1994 rồi
trở lại trầm trầm sau đó .
Một trong những yếu tố
không thuận lợi là tâm lý. Người Mỹ thích thấy kết quả ngay và động tác mạnh
nên ưa xem Basketball và Football. Xem Túc cầu đôi khi chờ hằng chục phút chưa
có một “gôn” (goal). Người Mỹ không có kiên nhẫn hoặc chưa thấm nhuần với nghệ
thuật đưa banh chính xác bằng đôi chân hay những cú sút từ giữa sân, banh đi
như một hỏa tiễn được điều khiển bằng tia laser
bay chính xác vào góc trên của khung thành.
Ngoài ra còn chuyện quảng
cáo làm ăn của các hãng truyền hình. Giáo sư Andrew Billings chuyên về truyền
thông thể thao ở đại học Alabama nói rằng các hãng truyền hình không thích truyền
một chương trình hai phần,mỗi phần 45 phút không gián đoạn của túc cầu. Tại Hoa
Kỳ các hãng truyền hình lớn như ABC, NBC và CBS phát chương trình hằng ngày miễn
phí vì sống nhờ quảng cáo.
Thêm nữa, Hoa Kỳ chưa sản
xuất được một cầu thủ xuất chúng như Pele của Brazil, Cristino Ronaldo của Bồ
Đào Nha hay Lionel Messi của Argentina.
Dù sao phong trào đang
lên, và dù Hoa Kỳ thua trước đội Bỉ hôm Thứ Ba 1/7 và bị loại khỏi các cuộc tranh tài còn lại của
World Cup, việc Hoa Kỳ vượt qua vòng đầu, nhất là trận thắng Ghana một cách vẻ
vang cũng là một thúc đẩy lớn.
Hãy đến tiệm rượu Fox and Hounds ở Studio City, gần thủ đô
điện ảnh của Hoa Kỳ vào sáng Thứ Ba 24/6 để cùng hàng chục khách mộ điệu khác uống
rượu xem trận đấu giữa Uruguay và Ý trên 9 màn ảnh tiệm bố trí sẵn để có một ý
niệm về sự đang lên của phong trào.
Douglas Milton, chủ tiệm,
nói ông thấy phong trào lên từ năm 2003 và các chương trình World Cup giúp tiệm
ông làm ăn khấm khá hơn. Hôm Chủ Nhật 22/6 (Hoa Kỳ đá với Bồ Đào Nha) tiệm ông
đầy 150 khách trong khi có gần 500 khách đến nhưng không có chỗ.
Câu chuyện của tiệm rượu Fox and
Hounds có thể chỉ là một tấm hình nhỏ phản ánh sự chú ý của người Mỹ đối với
môn thể thao bình dân trên thế giới .
Một ngày kia khi tại
Hoa Kỳ có những cuộc tranh tài túc cầu trong nước như Football, Basketball, Baseball
thì lúc đó là lúc Hoa Kỳ thật sự mới hội nhập với thế giới quanh mình./.
Trần Bình Nam
July
2, 2014